Bình Dương: Hướng đến trung tâm phát triển năng động, toàn diện của Đông Nam Á

0
34
Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. (Nguồn: VOV)

Trong 7 tháng năm 2024, những trụ cột về kinh tế như công nghiệp, hoạt động sản xuất – xuất khẩu, thu hút đầu tư, dịch vụ tài chính, thu ngân sách của Bình Dương đều có sức bật tăng trưởng ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Bình Dương duy trì mức tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước.

Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. (Nguồn: VOV)

Trọng điểm là hoạt động sản xuất công nghiệp tại Bình Dương có nhiều khởi sắc, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi, tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp khó khăn do chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển cao, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu của Bình Dương cũng duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt 18,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 10,6%. Những con số này cho thấy Bình Dương không chỉ là một trung tâm sản xuất mà còn là một cửa ngõ thương mại quan trọng của Việt Nam.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Bình Dương đạt 68.949 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức ký kết giao ước, phát động phong trào thi đua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 5.021 tỷ đồng, tương đương 22,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao và 32,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bình Dương cũng đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư trong nước đã thu hút được 47.500 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, nâng tổng số doanh nghiệp lên 70.500 với tổng vốn 774 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Bình Dương đã thu hút được 1 tỷ USD, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài lên 4.342 với tổng vốn 40,9 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định số 790/ QĐ-TTg).

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích tự nhiên 2.694,64km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên).

Quyết định nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; cơ cấu kinh tế năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.

Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1,0%…

Theo Quyết định số 790/ QĐ-TTg, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao…

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here