Mặc dù vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI không được xác định là mục tiêu chính thức của các biện pháp hạn chế, nhưng các quan chức Mỹ như Raimondo và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan thường xuyên khẳng định rằng AI đóng vai trò trọng tâm trong lợi thế cạnh tranh của nước này về kinh tế, từ đó thúc đẩy an ninh quốc gia.
Năm 2022, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, chính quyền Tổng thống Biden đã triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn Bắc Kinh có được các chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chúng ở trong nước. Các biện pháp này đặt mục tiêu ngăn Trung Quốc tiếp cận năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến mà nước này có thể sử dụng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của mình.
Trung Quốc đã đi trước một bước?
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh rằng các biện pháp kiểm soát “tập trung cao độ” vào việc cản trở Bắc Kinh phát triển quân sự. Các biện pháp này cũng có thể bảo vệ lợi thế công nghệ và kinh tế của Mỹ trước Trung Quốc.
Bài phân tích trên tờ Foreign Affairs bình luận, các biện pháp kiểm soát chip có lẽ sẽ không đạt được các mục tiêu nêu trên. Chúng khó có thể làm chậm đáng kể quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh khi phần lớn quá trình này vẫn có thể diễn ra bằng cách sử dụng chip đời cũ hơn. Trong những lĩnh vực cần chip AI tiên tiến, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng chip nhập khẩu từ trước đó, chip buôn lậu, hay chip được thiết kế và sản xuất trong nước. Các biện pháp kiểm soát có thể sẽ hiệu quả hơn nếu mục tiêu đặt ra là duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ. Bằng cách cản trở khả năng phát triển và triển khai AI của Trung Quốc trong toàn bộ nền kinh tế, các biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể làm chậm tăng trưởng của Trung Quốc và hạn chế khả năng cạnh tranh của nước này, do đó giúp Mỹ tiếp tục dẫn đầu.
Tuy nhiên, lợi ích đó chỉ là tạm thời và chi phí sẽ cao. Có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy các biện pháp kiểm soát đang đẩy nhanh quá trình phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn nội địa của Trung Quốc.
Do đó, các hành động của Mỹ có thể chỉ cản trở tốc độ đổi mới sáng tạo và tăng trưởng của Trung Quốc trong ngắn hạn, và thực tế sẽ đẩy nhanh tiến trình công nghệ của nước này. Trong khi đó, doanh thu của các công ty thiết bị chip tại Mỹ và các nước đồng minh lại giảm vì họ buộc phải rời khỏi thị trường Trung Quốc, cắt đứt nguồn tài chính để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể sẽ sớm bắt kịp, khiến Mỹ và các đối tác mất đi lợi thế đòn bẩy đối với Trung Quốc, đồng thời các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng làm tăng nguy cơ tách rời kinh tế và rạn nứt địa chính trị.
Chiến lược hiện tại của Mỹ là sai lầm. Washington không nên quá chú trọng vào việc cản trở Trung Quốc và nên tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình. Trong tương lai, Chính phủ Mỹ phải tận dụng tình trạng suy thoái tạm thời ở Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gây ra để thiết lập vị trí dẫn đầu mang tính quyết định trong các công nghệ quan trọng nhất của tương lai.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong 10 năm qua về thiết kế chip AI, trang bị công cụ và sản xuất tiên tiến. Hai công ty của Mỹ là Nvidia và AMD dẫn đầu thị trường chip AI, nhưng các công ty Trung Quốc là Huawei và Biren cũng đã và đang đạt nhiều tiến bộ. Cả hai công ty này đều đã công bố các loại chip tiên tiến – Huawei vào năm 2019 và Biren vào năm 2022 – với thông số kỹ thuật hiệu suất tương tự như chip của Mỹ. Nhưng ngay cả khi các công ty Trung Quốc đang bám sát các công ty dẫn đầu thị trường Mỹ về thiết kế chip, họ vẫn tụt hậu trong sản xuất chất bán dẫn nút tiên tiến – chip nanomet cấp thấp hơn nhằm cung cấp năng lượng cho AI.
Hiện tại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất được phát triển bởi công ty chế tạo hàng đầu của Trung Quốc – Tập đoàn quốc tế phát triển chất bán dẫn (SMIC) – đang sản xuất ra những con chip chậm hơn khoảng 5-6 năm so với loại cao cấp nhất trên thị trường. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất tốt nhất của SMIC vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị của Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ, vì thiết bị của Trung Quốc không đủ khả năng sản xuất ra những chip tiên tiến nhất.
Chính phủ Mỹ muốn bảo vệ lợi thế của đất nước, tìm cách “duy trì vị thế dẫn đầu càng xa càng tốt” về những công nghệ có khả năng thúc đẩy cả hiện đại hóa quân sự lẫn tăng trưởng kinh tế, như Sullivan đã nói hồi tháng 9/2022. Chính quyền Biden cam kết đảm bảo Mỹ luôn đi đầu về AI chủ yếu bằng cách duy trì lợi thế công nghệ của nước này đối với các chip quan trọng để phát triển các hệ thống AI. Bộ trưởng Thương mại Raimondo tóm lược kế hoạch này một cách thẳng thắn hồi tháng 12/2023: “Mỹ dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Mỹ dẫn đầu thế giới về thiết kế chất bán dẫn tiên tiến. Chúng ta đã đi trước Trung Quốc vài năm. Không đời nào chúng ta để họ bắt kịp”. Do đó, Mỹ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Washington đặt ra mục tiêu tương đối hẹp: ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip mà Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ tuyên bố có thể được sử dụng để “đào tạo các mô hình AI hàng đầu có tiềm năng nhất để ứng dụng cho chiến tranh tiên tiến”. Tuy nhiên, như Sullivan đã giải thích, việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ về phần cứng máy tính và AI sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này, chứ không chỉ là ưu thế quân sự. Mặc dù Chính quyền Biden phủ nhận việc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm mục tiêu cản trở sự phát triển công nghệ hoặc kinh tế của Trung Quốc, nhưng các biện pháp hạn chế này thực sự mang lại một phương tiện tiềm năng để thực hiện điều đó. Việc chặn Trung Quốc tiếp cận những loại chip tiên tiến nhất sẽ hạn chế sức mạnh tính toán mà các công ty và kỹ sư Trung Quốc có thể sử dụng, từ đó kìm hãm khả năng nước này phát triển các hệ thống AI tinh vi và gặt hái lợi ích về năng suất.
Chính quyền Biden mô tả chính sách của mình là cách tiếp cận “sân nhỏ, rào cao”, nghĩa là các hạn chế nghiêm ngặt chỉ áp dụng cho một số loại chip và công cụ chế tạo nhất định. Năm 2022, các cơ quan quản lý của Mỹ đã cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip tiên tiến nhất có thể được sử dụng để xây dựng các mô hình AI cũng như những thiết bị được sử dụng để sản xuất chúng. Sau khi phát hiện ra những lỗ hổng trong các biện pháp hạn chế này vào năm 2023, Chính quyền Mỹ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát, đồng thời phối hợp các biện pháp hạn chế với các nước đồng minh. Cơ chế này có thể sẽ tiếp tục phát triển khi các công ty Trung Quốc tìm ra giải pháp thay thế và Chính phủ Mỹ tìm ra thêm những lỗ hổng trong nỗ lực làm chậm sự tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc.
Washington đã đúng khi cho rằng an ninh quốc gia của đất nước song hành với khả năng cạnh tranh kinh tế. Do đó, Mỹ có lợi ích khi cản trở quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, cũng như tìm cách đảm bảo rằng khả năng cạnh tranh về kinh tế và công nghệ của Mỹ vẫn đi trước Bắc Kinh nhiều bước. Vấn đề là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khó có thể cản trở đáng kể quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc mà sẽ chỉ làm suy yếu tạm thời khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này.
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ bọ hạn chế?
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có vẻ hứa hẹn hơn trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh của nước này bằng cách làm chậm quá trình phát triển và triển khai các mô hình AI của Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, kho dự trữ chip AI của Trung Quốc có thể đủ lớn để đáp ứng nhu cầu, nhưng chúng sẽ sớm cạn kiệt và các biện pháp kiểm soát của Mỹ sẽ bắt đầu có hiệu lực. Ngay cả với chip buôn lậu và sản xuất trong nước, Trung Quốc có thể sẽ không tiếp cận được nguồn cung cấp chip tiên tiến lớn mà họ cần để mở rộng quy mô AI trên toàn nền kinh tế, điều này có khả năng làm chậm quá trình phát triển kinh tế của họ so với Mỹ. Cho đến khi Bắc Kinh phát triển các giải pháp thay thế trong nước cho công cụ bán dẫn tiên tiến và chế tạo chip, Washington vẫn sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế này có thể chỉ là tạm thời.
Vấn đề chính đối với Washington là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể vô tình đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của Trung Quốc. Bằng cách hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận chip và công cụ sản xuất từ nước ngoài, các biện pháp kiểm soát đang tạo ra nhu cầu mới đối với thiết bị, năng lực chế tạo và chip AI nội địa của Trung Quốc. Nhu cầu như vậy trong nước sẽ gây áp lực buộc các công ty Trung Quốc phải đầu tư và hợp tác trong toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn. Các công ty ở Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ vẫn nắm giữ các công cụ thiết yếu để sản xuất chip tiên tiến nhất. Nhưng thông qua việc ngăn các công ty này bán thiết bị cho Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc tăng doanh thu, cho phép các công ty này đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển cần thiết để sản xuất các công cụ tinh vi hơn.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bắt kịp các công ty dẫn đầu thị trường. Với tốc độ phát triển hiện tại, có khả năng Trung Quốc sẽ sớm sản xuất được trang thiết bị cần thiết để chế tạo chất bán dẫn tiên tiến. Khi đó, các công ty thiết kế chip tiềm năng của Trung Quốc sẽ có thể sử dụng năng lực chế tạo trong nước để sản xuất chip AI quy mô lớn và phổ biến AI trong toàn bộ nền kinh tế của mình. Không rõ chính xác khi nào Trung Quốc sẽ đạt đến ngưỡng này, nhưng cơ hội để Mỹ tận dụng sự chênh lệch hiện nay cũng chỉ là tạm thời.
Cánh cửa cơ hội này cũng có thể bị thu hẹp bởi các xu hướng trong ngành. Các công ty thiết kế chip AI đang kết nối những loại chip không quá mạnh – hay còn gọi là chiplet – để tạo thành một tổ hợp hiệu suất cao có khả năng đào tạo và sử dụng các mô hình AI. Nhiều công ty bán dẫn đang áp dụng chiến lược này để giảm chi phí thiết kế và sản xuất, và các công ty Trung Quốc đang phát triển theo hướng này với sự hỗ trợ của chính phủ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu AI ở Trung Quốc cũng như ở các quốc gia khác đang phát triển những mô hình AI nhỏ hơn và ít phức tạp hơn, đòi hỏi ít năng lực tính toán hơn nhưng vẫn khả thi. Hai cải tiến này có thể giúp Trung Quốc bắt kịp tốc độ phát triển AI khi các công ty của họ nỗ lực đẩy nhanh quá trình phát triển thiết bị sản xuất chip tiên tiến.
Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát của Mỹ sẽ khiến các nhà sản xuất chip và công cụ tại Mỹ và các nước đồng minh mất đi đáng kể hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, khiến các công ty này không còn tiền để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Trong ngắn hạn, tác động có thể sẽ không đáng kể. Sự bùng nổ AI hiện nay dẫn đến nhu cầu về chip hiệu suất cao vượt xa nguồn cung; số chip mà đáng lẽ Nvidia sẽ bán ở thị trường Trung Quốc lại được bán ở nơi khác. Nhưng về lâu dài, việc rút khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc dự kiến sẽ gây thiệt hại đáng kể cho doanh thu của các công ty phương Tây.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng có thể đẩy nhanh sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Một cái sân lớn hơn và hàng rào cao hơn sẽ làm giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và làm gia tăng cạnh tranh địa chính trị, có khả năng đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc xung đột. Thật vậy, các biện pháp kiểm soát chip đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, bổ sung thêm cho đánh giá của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Mỹ đang tìm cách “kiềm chế, bao vây và đàn áp toàn diện đối với chúng tôi”.
Washington có thể tận dụng được cơ hội?
Câu hỏi then chốt trong tương lai là liệu Washington có thể tận dụng được cơ hội do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mang lại để tạo ra những đột phá mang tính thay đổi mô hình trong khoa học tính toán hay không. Để làm được điều này, giải pháp tốt nhất của Mỹ trong dài hạn là thúc đẩy tiến bộ công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình.
Chính phủ Mỹ đã đạt được bước tiến tốt trên mặt trận này với Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022, trong đó có khoản đầu tư 52 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, nghiên cứu ứng dụng, tạo mẫu và thương mại hóa.
Các nhà máy chế tạo tiên tiến trong nước sẽ giúp các nhà nghiên cứu chất bán dẫn tại Mỹ dễ dàng phát triển và mở rộng quy mô các công nghệ mới và tiên tiến. Hơn nữa, Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia, được Đạo luật CHIPS và Khoa học hỗ trợ, đang tài trợ cho các cơ sở hiện đại để thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty bán dẫn Mỹ và các nhà nghiên cứu của các công ty, chính phủ và trường đại học.
Đây là những bước quan trọng đúng hướng, nhưng có lẽ là chưa đủ. Các bước này nên tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo thay vì đầu tư vào một công nghệ tiềm năng nào khác. Khi bị sản xuất chip trong nước của Trung Quốc bắt kịp, Mỹ cần phải chuyển sang xử lý lĩnh vực công nghệ tiếp theo trong điện toán tiên tiến. Điện toán dựa trên ánh sáng (sử dụng photon để xử lý dữ liệu) và điện toán hình thái thần kinh (sử dụng các hoạt động mô phỏng não người) là hai “ứng cử viên” đầy hứa hẹn cho mô hình điện toán thế hệ tiếp theo.
Ngoài ra, điện toán lượng tử (sử dụng các hạt hạ nguyên tử để xử lý thông tin) sẽ đẩy nhanh theo cấp số nhân các phép tính toán cho một số ứng dụng nhất định. Những công nghệ mới nổi này có tiềm năng tính toán với tốc độ chưa từng có và sử dụng ít năng lượng hơn nhiều – tạo điều kiện cho khám phá khoa học, làm biến đổi các ngành công nghiệp và hiện đại hóa quân đội. Washington hiện phải thúc đẩy các công nghệ đột phá này bằng cách tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, mở rộng các chương trình phát triển lực lượng lao động và đầu tư vào hệ thống sản xuất trong nước.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước nên là ưu tiên hàng đầu của Washington khi cạnh tranh với Bắc Kinh. Với quy mô, sức mạnh kinh tế và sự tinh vi về khoa học của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ không có nhiều năng lực để cản trở sự phát triển công nghệ của đối thủ. Thay vào đó, Mỹ nên tập trung năng lượng vào sức mạnh đổi mới sáng tạo của chính mình cũng như khả năng duy trì vị thế dẫn đầu về AI và thế hệ công nghệ quan trọng tiếp theo.
Trần Quyên