Trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Trung- Nhật- Hàn lần thứ 9 (5/2024), 3 nước cho biết đã “thảo luận về việc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định thương mại tự do 3 bên nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do, công bằng, toàn diện, chất lượng cao, có đi có lại và có giá trị riêng”.
Việc nối lại đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn vốn đã bị đình chỉ từ 4 năm rưỡi qua, được hi vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác kinh tế và thương mại vốn đang trì trệ giữa 3 nước.
Tuy nhiên, trước những thay đổi sâu sắc về tình hình bên trong và bên ngoài, việc thiết lập Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, và phụ thuộc vào ý chí chính trị và các cuộc đàm phán thực chất của 3 bên, đồng thời các cuộc đàm phán này cũng đòi hỏi 3 nước phải quản lý hiệu quả các xung đột và loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài.
Hành trình 25 năm và còn lâu hơn nữa?
Việc thiết lập Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn đã sớm được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn năm 2002. Trải qua 10 năm nghiên cứu và chứng minh, tại Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh, Campuchia, Bộ trưởng thương mại 3 nước đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn.
Tháng 3/2013, vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn được tổ chức tại Seoul. Đến tháng 11/2019, tổng cộng đã có 16 vòng đàm phán được tổ chức. Trong giai đoạn này, 3 bên đã thành lập 11 cơ chế nhóm công tác, bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh, thương mại điện tử, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công và quy định về xuất xứ, tập trung giảm thiểu rào cản thương mại, đẩy mạnh tiếp cận thị trường, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực, triển khai các hoạt động tư vấn toàn diện và chuyên sâu.
Mặc dù chính phủ 3 nước chưa tiết lộ chi tiết đàm phán, nhưng thông tin được đưa ra sau vòng đàm phán thứ 16 cho thấy 3 bên đã tập trung thảo luận trên các lĩnh vực tiếp cận thị trường, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ. Đáng tiếc là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những thay đổi tình hình trong và ngoài nước, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Nhìn lại tiến trình 25 năm kể từ khi bắt đầu hợp tác Trung-Nhật-Hàn, hợp tác thương mại đóng vai trò quan trọng như “hòn đá dằn” và “cánh quạt” trong quan hệ 3 nước. Về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, 3 bên đạt được đồng thuận cao về nhận thức chính trị và từng bày tỏ ý định tích cực trong các cuộc họp lãnh đạo 3 bên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng Khu vực thương mại tự do của 3 nước tiến triển chậm chạp, điều này cũng phản ánh chân thực mức độ phức tạp của mối quan hệ 3 bên Trung-Nhật-Hàn cũng như tình hình địa chính trị khu vực Đông Á.
Các yếu tố chính trị can thiệp. Đối đầu căng thẳng trong quan hệ chính trị đã khiến Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn không được tiến hành đều đặn, đồng thời cũng khiến đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa 3 nước luôn thiếu sự dẫn dắt chính trị mạnh mẽ và phải đối mặt với khó khăn do thiếu động lực.
Những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp. Trong những năm gần đây, hợp tác công nghiệp Trung-Nhật-Hàn dần chuyển từ mô hình “bổ sung theo chiều dọc” sang mô hình “cạnh tranh theo chiều ngang”, tính bổ sung của mô hình “con ngỗng bay” truyền thống đã giảm sút. Tính cạnh tranh lẫn nhau trong các lĩnh vực công nghiệp quan trọng như ô tô, điện tử tiêu dùng, chất bán dẫn, đóng tàu được nâng lên.
Đặc biệt, Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến tới phân khúc trung cấp đến cao cấp trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp; vị thế của Bắc Kinh trong chuỗi giá trị toàn cầu không ngừng tăng lên, hình thành “hiệu ứng lấn át” đối với các ngành công nghiệp có ưu thế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính cạnh tranh trong quan hệ thương mại 3 bên tăng lên dẫn đến những lợi ích từ hợp tác giảm đi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tích cực trong hợp tác 3 bên.
Tác động thay thế của RCEP. Tháng 11/2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi động cùng với các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, cuối cùng đã được ký kết sau 8 năm với 31 vòng đàm phán, trở thành hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới. Với việc RCEP có hiệu lực vào năm 2022, 3 nước Trung-Nhật-Hàn lần đầu tiên được đưa vào cùng một khuôn khổ thương mại tự do; giữa 3 nước cũng có những bất đồng về sự cần thiết ký kết Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn.
Môi trường bên ngoài bị siết chặt. Cùng với sự trỗi dậy của cạnh tranh nước lớn và đối đầu phe phái trên thế giới hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa đang gia tăng. Mỹ nỗ lực thúc đẩy cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, tăng cường lôi kéo và gây sức ép đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, cam kết tạo ra một chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế “phi Hán hóa” và một liên minh kỹ thuật chống Trung Quốc kiểu “sân nhỏ, rào cao”. Về mặt khách quan, điều này cũng tạo ra sự cản trở đối với việc nhất thể hóa khu vực Đông Bắc Á.
Bốn khó khăn?
Ba nước Trung-Nhật-Hàn có nền kinh tế khổng lồ, chuỗi sản xuất và cung ứng đan xen sâu sắc và lợi ích tích hợp cao, với tư cách là các quốc gia thúc đẩy và dẫn dắt quan trọng trong hợp tác khu vực Đông Á. So với RCEP, hiệp định thu hút nhiều bên tham gia hơn và liên quan đến các vấn đề phức tạp hơn, thì việc 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận tự do thương mại lẽ ra phải là điều tự nhiên, tuy nhiên quá trình đàm phán thực tế lại gặp nhiều khó khăn và trở ngại, vậy nguyên nhân là gì?
Một là, Nhật Bản trở thành nhân tố tiêu cực chính. Những năm gần đây, giới cầm quyền và tinh hoa chính trị ở Nhật Bản và Hàn Quốc có nhận thức tiêu cực về Trung Quốc, ngày càng thận trọng với Trung Quốc, dẫn đến xuất hiện những thay đổi tiêu cực trong chính sách. Trong đó, Nhật Bản có quan điểm mâu thuẫn về việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn và không nhiệt tình tham gia đàm phán. Xuất phát từ toan tính giành quyền dẫn dắt kinh tế, thương mại châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản tập trung thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và phản đối các hiệp định thương mại tự do khu vực mà Trung Quốc tham gia.
Theo báo cáo, trong vòng đàm phán thứ 6 về Hiệp định thương mại Trung-Nhật-Hàn vào tháng 11/2014, Nhật Bản đã từ chối đề xuất của Trung Quốc và Hàn Quốc, khiến tiến trình đàm phán một thời gian bị rơi vào bế tắc. Sau khi lên nắm quyền, để bảo vệ sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản, Kishida Fumio đã mạnh mẽ thúc đẩy “Chiến lược an ninh kinh tế”, tăng cường đề phòng Trung Quốc, tích cực theo đuổi và phối hợp với Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Năm 2023, Nhật Bản đã thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị bán dẫn hiệu suất cao, khiến chính sách kinh tế và thương mại ngày càng xuất hiện xu hướng “an ninh toàn diện” rộng rãi. Có thể dự đoán rằng, trong tương lai Nhật Bản vẫn có thể đặt ra các rào cản khác nhau đối với cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn.
Hai là, có sự khác biệt lớn xung quanh việc mở cửa các ngành nhạy cảm và yếu thế. Ở cấp độ kỹ thuật, mặc dù 3 bên có sự đồng thuận trong việc thiết lập Hiệp định thương mại tự do cấp cao và tiêu chuẩn cao, nhưng các tiêu chuẩn mà họ theo đuổi và các lĩnh vực trọng tâm chính vẫn chưa nhất quán.
Đặc biệt là về mở cửa thị trường và các quy tắc xoay quanh nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, thương mại dịch vụ, 3 bên theo đuổi lợi ích không giống nhau. Chẳng hạn, Nhật Bản và Hàn Quốc có thái độ tiêu cực đối với việc mở cửa thị trường nông sản, đồng thời hi vọng duy trì bảo hộ đối với các ngành sản xuất tầm trung và tầm thấp trong nước tránh chịu các tác động. Trong khi đó, Trung Quốc cũng khó đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản và Hàn Quốc về mở cửa ngành dịch vụ, luồng dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ.
Trong tương lai, các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn chắc chắn sẽ trải qua nhiều khó khăn. Cuối cùng, dựa trên nguyên tắc đối đẳng về lợi ích, 3 bên sẽ phải tìm cách đạt được các thỏa thuận liên quan đến việc cung cấp bảo hộ thuế quan đối với sản phẩm có độ nhạy cảm cao, thông qua các phương thức thiết lập thời kỳ quá độ, điều khoản ngoại lệ, giảm thuế một phần hoặc theo từng giai đoạn.
Ba là, cần phải phối hợp hài hòa hợp lý với các Hiệp định thương mại tự do khu vực hiện có. Bước tiếp theo sau khi tái khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, vấn đề khó khăn đầu tiên là làm rõ vai trò, tính chất, cũng như sự khác biệt của các hiệp định thương mại tự do khu vực hiện có như RCEP, CPTPP, FTA Trung-Hàn,…
Để phù hợp với trình độ phát triển khác nhau và mức độ tiếp nhận thực tế của các quốc gia khác nhau, nên các điều khoản RCEP tương đối rộng và các tiêu chuẩn tương đối lỏng. Do đó, đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn còn rất xa để RCEP là một “Hiệp định thương mại tự do trình độ cao”. Mục tiêu của Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn là “toàn diện, chất lượng cao, cùng có lợi với giá trị riêng”.
Trên cơ sở RCEP, làm thế nào để 3 bên nâng cao hơn nữa năng lực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, tự do hóa đầu tư, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn nguyên tắc mới, tạo ra Hiệp định thương mại tự do “RCEP+” sẽ là nhiệm vụ lớn mang tính hệ thống.
Bốn là, đối mặt với sự can thiệp của các yếu tố địa chính trị và yếu tố bên ngoài. Trước mắt, trước tác động lan rộng của cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan, nguy cơ đối đầu và căng thẳng địa chiến lược tăng lên, Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị vướng vào vết nứt của cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ khốc liệt, nên thái độ hợp tác với Trung Quốc bị dao động. Mỹ vẫn nằm ngoài khuôn khổ thương mại tự do đa phương châu Á-Thái Bình Dương nhưng luôn cảnh giác cao độ với tiến trình nhất thể hóa khu vực do Trung Quốc dẫn dắt.
Mặc dù cho đến nay, Mỹ vẫn chưa công khai cản trở, nhưng Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn không phải là tin tốt cho chiến lược “phi Trung Quốc” mà Mỹ đang thúc đẩy. Có thể thấy trước, trong tương lai, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực hữu hình hoặc vô hình từ Mỹ khi tham gia đàm phán Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn.
Tương lai tươi sáng?
Năm 2023, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt xếp hạng là các nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 4 và thứ 12 trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 3 nước chiếm 24% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Kim ngạch thương mại giữa 3 nước chiếm khoảng 20% tổng khối lượng của thế giới; 3 nước đóng góp 70% tăng trưởng kinh tế của châu Á và 36% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 và thứ 3 của Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều năm. Đồng thời, mức độ phụ thuộc thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là dưới 20%, thấp hơn nhiều so với Liên minh châu Âu (EU) (65,7%) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (40,2%). Điều này cho thấy thương mại giữa 3 nước vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Mặc dù các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trong trung và dài hạn, lợi ích sẽ dần được giải phóng thông qua tự do và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư sau khi hoàn thành Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn. Dự kiến sẽ tạo ra 3 tác động tích cực chính: Thứ nhất, hiệu ứng tăng trưởng kinh tế. Cho đến nay, nghiên cứu có liên quan của 3 nước đã chỉ ra rằng, việc hoàn thành Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của 3 nước ở các mức độ khác nhau và dự kiến sẽ mang lại hiệu quả tương ứng từ 0,5% đến 3% đối với GDP của 3 nước.
Thứ hai, hiệu quả an ninh chính trị. Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn sẽ thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế, làm sâu sắc sự giao thoa lợi ích giữa 3 nước, mở rộng lực lượng hòa bình, có lợi cho việc xoa dịu căng thẳng địa chính trị, đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau và giảm thiểu nghi ngờ lẫn nhau về an ninh giữa 3 nước.
Thứ ba là hiệu quả xã hội và văn hóa. Tham khảo kinh nghiệm của EU, Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 3 nước mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục và du lịch, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị lẫn nhau, nâng cao bản sắc chung của cộng đồng người dân Đông Bắc Á, từ đó được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự hòa giải mang tính lịch sử giữa các nước trong khu vực.
Nhìn vào triển vọng xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn, sự tiến triển thuận lợi và triển khai thành công khu vực này chủ yếu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác với Trung Quốc để thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần duy trì cơ chế gặp gỡ định kỳ giữa các nhà lãnh đạo, tăng cường thiết chế cấp cao và lập kế hoạch tổng thể về hợp tác Trung-Nhật-Hàn, tạo động lực chính trị ổn định cho các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy đàm phán từ trên xuống và trực tiếp ra quyết định chính trị vào những thời điểm đàm phán then chốt.
Thứ hai, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác với Trung Quốc để cùng nhau giải quyết và thúc đẩy các cuộc đàm phán thực chất một cách kiên nhẫn và tỉ mỉ. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên đặt ra các mục tiêu đàm phán thực tế và xây dựng lộ trình đàm phán phù hợp.
Ba bên nên lấy RCEP và FTA Trung-Hàn làm cơ sở, chuẩn mực so với CPTPP, đồng thời tập trung đàm phán các thỏa thuận thể chế cao hơn RCEP trong các lĩnh vực thuế quan và mở cửa thương mại dịch vụ.
Trong các lĩnh vực nhạy cảm như mở cửa thị trường nông sản, Trung Quốc cần giải quyết thỏa đáng mối quan ngại của Nhật Bản. Hàn Quốc cũng cần tham gia đàm phán về các vấn đề như kinh tế số, quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp công nghiệp, doanh nghiệp nhà nước với thái độ tích cực, cởi mở hơn nhằm xây dựng khu thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn ở cấp độ cao, tạo tác động tích cực cho Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia đàm phán.
Cuối cùng, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác với Trung Quốc để quản lý hiệu quả các mâu thuẫn và khác biệt, đồng thời cố gắng loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài. Mỗi bên nên tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau, tận dụng các cơ chế đối thoại và liên lạc ở mọi cấp độ và trong mọi lĩnh vực, đồng thời đảm bảo vận hành hiệu quả các cơ chế quản lý khủng hoảng và giải quyết tranh chấp.
Ba bên cần cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các hành động đơn phương, thiết lập và cải thiện các cơ chế phối hợp và liên lạc trong chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng độc lập, ổn định, hiệu quả và cùng có lợi, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng khu vực thương mại tự do.
Chu Văn