Đoạn trên cao metro Nhổn – ga Hà Nội nước rút về đích ngay trong tháng 7

0
148
(minh họa)
(minh họa)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 340/TB-VPCP kết luận Phiên họp thứ 2 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thông báo kết luận nêu rõ, Phó Thủ tướng biểu dương các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cố gắng, nỗ lực tổ chức triển khai và hoàn thành 09/16 công việc được Tổ công tác giao tại Phiên họp thứ nhất (Thông báo kết luận số 239/TB-VPCP ngày 23/5/2024).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số nội dung đang triển khai, chưa hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Về tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục.

Trong đó, phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải hoàn thành công tác thẩm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định; thủ tục cấp phép môi trường trong ngày 20/7/2024; hoàn thiện các thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước ngày 26/7/2024.

Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã làm việc làm việc với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ và đã thống nhất kế hoạch hành động với mục tiêu dự kiến sẽ hoàn thành thẩm định, chấp nhận hồ sơ an toàn hệ thống metro Nhổn – Ga Hà Nội trong tháng 7/2024.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 7/2024. Cuối cùng, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ kiểm tra và chấp thuận kết quả nghiệm thu là cơ sở để đưa đoạn tuyến vào vận hành thương mại.

Trao đổi với phóng viên VnEconomy, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết hiện nay còn một số thủ tục liên quan đến nghiệm thu và chứng nhận an toàn hệ thống. Ban đang nỗ lực hết sức để hoàn thành trong tháng 7, cố gắng để không lùi tiến độ.

Thông tin về kế hoạch khánh thành đoạn trên cao metro Nhổn – ga Hà Nội, lãnh đạo Ban cho biết MRB đang xây dựng kế hoạch để báo cáo uỷ ban nhân dân thành phố và Thành ủy Hà Nội chấp thuận.

Cũng trong thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc, khiếu kiện của các nhà thầu, triển khai hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục với dự án metro Bến Thành – Suối Tiên.

“Nỗ lực phấn đấu đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào khai thác thương mại trong tháng 11/2024”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ, theo dõi đôn đốc các cấp thực hiện và kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, sớm đưa các dự án vào khai thác.

Đối với Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thống nhất các nội dung của Đề án, hoàn thiện Đề án gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 26/7/2024.

“Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổng hợp thành 01 hồ sơ Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 trình cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dung Đề án phải có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách…; trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 02/8/2024”, thông báo nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Đề án phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh và Đồ án Quy hoạch chung của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, lưu ý đến công tác lập, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, nhất là quy hoạch đường sắt ngầm, đường sắt trên cao với tầm nhìn dài hạn đến năm 2060, tương đương với tầm nhìn quy hoạch của Đồ án Quy hoạch chung, bảo đảm chất lượng tốt, làm cơ sở quan trọng triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác lập hoặc thẩm tra quy hoạch.

(Ánh Tuyết/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here