Nhiều dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023, của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh” có nội dung cốt lõi là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, chưa có tiền lệ. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết này, từ tháng 7/2023, chính quyền Thành phố đã ban hành nhiều quyết định để triển khai và bước đầu đã đạt được kết quả, đặc biệt trong kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, tới nay, theo danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà thành phố Hồ Chí Minh ban hành, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án (dự kiến tổng mức đầu tư 22.394,262 tỷ đồng); ngành y tế có 6 dự án, hiện nay 2 dự án “Xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương” và “Xây dựng khoa khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh” đang được triển khai.
Bên cạnh đó Thành phố đã ưu tiên triển khai ngay trong tháng 7 năm 2023 với việc bố trí 2.796 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 và đã giải ngân đạt 100% cho gần 39 ngàn khách hàng là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động. Năm 2024, Thành phố bố trí 998 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã giải ngân đạt tỷ lệ 100% cho 13.658 lượt khách hàng vay vốn thuộc Chương trình giảm nghèo.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, đã có 4 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đăng ký 6 dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị.
Đáng lưu ý, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chi thu nhập tăng thêm 14.368 tỷ đồng, trong đó quý I và quý II mỗi quý 3.123,5 tỷ đồng; quý III và quý IV sẽ chi theo mức lương cơ sở mới 2,34 triệu đồng, dự kiến số tiền thực hiện 8.121 tỷ đồng. Việc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách tăng thu nhập đã tạo động lực to lớn hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Thành phố.
Sử dụng ngân sách liên vùng, Nghị quyết cho nhưng cần phải sửa Luật
Dù vậy, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ nhanh. Đơn cử, theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 thì HĐND thành phố Hồ Chí Minh quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, quy định tại Khoản 1 đến 6 Điều 17 Luật Đầu tư công không quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của dự án sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện trên địa phương đó và tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, sau khi quyết định chủ trương đầu tư, còn phải thực hiện thêm các thủ tục theo luật chuyên ngành (ví dụ như phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo luật quy định).
Vì vậy Thành phố kiến nghị Bộ, ngành chức năng cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án được HĐND một tỉnh quyết định sử dụng ngân sách tỉnh đó để đầu tư thực hiện dự án liên vùng.
Hoặc thực hiện Nghị quyết, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cơ cấu nông nghiệp đô thị, trong đó đề xuất: Ngân sách hỗ trợ 60-100% lãi vay cho chủ phương án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; thời gian hỗ trợ lãi vay theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 05 năm trên một phương án. Tuy nhiên, đến nay chưa xác định được nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện chính sách thuộc điều chỉnh của Luật Đầu tư công hay Luật Ngân sách Nhà nước.
Vướng mắc tín chỉ carbon
Trong mua bán tín chỉ carbon, theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay chưa xác định lượng giảm phát thải khí nhà kính đã tính vào đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) có được bán ra thị trường quốc tế và có ảnh hưởng đến NDC Việt Nam hay không; cũng chưa có hướng dẫn thủ tục bán lượng giảm phát thải khí nhà kính ra thị trường quốc tế và phương pháp tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính của người dân và doanh nghiệp thông qua các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tư nhân.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ dự án đầu tư cần nộp khi chủ đầu tư dự án muốn bán tín chỉ carbon và yêu cầu đối với doanh nghiệp thu gom tín chỉ cac bon nhỏ lẻ; chưa có thủ tục lựa chọn sàn giao dịch quốc tế và đơn vị quốc tế xác nhận tín chỉ khi muốn bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế và định giá bán tín chỉ cacbon, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư công.
Các vướng mắc nêu trên là những vướng mắc chung của hầu hết các hoạt động mua bán tín chỉ carbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ carbon ra thị trường nước ngoài, nơi có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn (trong trường hợp vẫn đảm bảo được NDC của Việt Nam), không chỉ là các vướng mắc đặc thù, riêng biệt của các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, nên Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành đưa các nội dung vướng mắc trên cùng với định hướng giải quyết vào Nghị định thay thế Nghị định số 06/2022/NĐ-CP
Kiến nghị duyệt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu công nghiệp Y dược
UBND thành phố Hồ Chí Minh còn cho hay, theo Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15 thì huyện Cần Giờ hiện có 1 dự án thuộc “Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố” là dự án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên”.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 442/QĐ-TT g ngày 22/5/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã bổ sung quy hoạch xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.
Đối với Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có Công văn số 2768/UBND-DA ngày 18/5/2024 về việc hoàn thiện Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gửi Bộ Giao thông vận tải để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đối với chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, UBND Thành phố cũng đã có Công văn số 2726/UBND-DA ngày 16/5/2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Nhưng đến nay, Thành phố chưa nhận được kết quả nên đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Đề án và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Thành phố Hồ Chí Minh còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y – Dược tại thành phố Hồ Chí Minh vào Danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư quy định tại Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Y tế để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất phục vụ công tác cung ứng thuốc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu điều trị.
(Ngô Nguyên/baodautu)