Tình hình kinh tế – xã hội và một số chính sách của Nigeria

0
211
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Khủng hoảng kinh tế – xã hội tại Nigeria tiếp tục kéo dài, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tăng cao (lạm phát 33,99% tháng 5/2024), giá nhiên liệu, lương thực và các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, đồng nội tệ mất giá, khan hiếm tiền mặt. Xuất khẩu nông sản đối mặt với sự từ chối của các nước nhập khẩu liên quan tiêu chuẩn, chất lượng. GDP Quý I/2024 đạt 2,98% so với 2,31% Quý I/2023. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Nigeria sẽ tụt hạng xuống thành nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Phi năm 2024, sau Nam Phi, Ai Cập và Algeria. Các cuộc biểu tình do Công đoàn phát động diễn ra thường xuyên trên khắp cả nước xung quanh vấn đề lương tối thiểu gây tê liệt hoạt động của các bộ, ngành, hoạt động giao thông (toàn bộ các chuyến bay nội địa đã bị dừng trong ngày biểu tình đầu tiên).
Chính phủ tăng cường các chính sách, biện pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế – xã hội và an ninh: Thông qua Luật ngân sách 2024, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế; cắt giảm 60% số người tham gia các đoàn tùy tùng đi công tác, cấm quan chức chính phủ đi công tác nước ngoài trong Quý II; nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành dầu khí (tăng xuất khẩu dầu thô, đẩy mạnh lọc dầu); củng cố an ninh (thành lập lực lượng chống bắt cóc, cướp có vũ trang…); nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài (nhất là trong lĩnh vực khai thác khoảng sản); cải tổ hoạt động của các cơ quan tài chính, ngân hàng, thành lập Ủy ban về mức lương tối thiểu quốc gia; triển khai chính sách không nhập khẩu các sản phẩm lương thực thiết yếu nhằm thúc đẩy nông nghiệp trong nước; cắt trợ cấp giá điện; thông qua quan hệ đối tác tư nhân nhằm thúc đẩy tạo việc làm, tăng trưởng toàn diện; thúc đẩy ngành sản xuất ô tô và xe máy nội địa
Nigeria tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong Liên minh châu Phi (AU), đạt nhiều thoả thuận quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh AU tại Ethiopia, trong đó việc hợp tác cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở châu Phi, tiếp nhận Ngân hàng Trung ương châu Phi vào năm 2028. Bên cạnh đó, Nigeria cũng tăng cường hợp tác với các thành viên G24 nhằm thúc đẩy nền kinh tế; thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược với các nước trong khu vực. Với các nước lớn, đối tác quan trọng, Nigeria tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, trong đó ký Thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác Đầu tư và Thương mại (ETIP) với Anh, ưu tiên các vấn đề kinh tế chiến lược và an ninh bền vững với Nga; ký thỏa thuận với Tập đoàn Ngân hàng Đức Deutsch nhằm phát triển dự án Chương trình mệnh lệnh Xanh trị giá 995 triệu Euro; thu hút gói đầu tư trị giá 250 triệu USD trong lĩnh vực xử lý rác thải và bảo vệ môi trường với Hà Lan; tổ chức Diễn đàn Kinh doanh – Đầu tư, ký thỏa thuận hợp tác đa ngành, thành lập Hội đồng kinh doanh chung, ký bản ghi nhớ về chống buôn bán trái phép các loại thuốc gây nghiện và các chất hướng thần… với Qatar; ký thỏa thuận về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh UAE đối với du khách Nigeria; tăng cường hợp tác nông nghiệp, thương mại và kinh tế với Ả-rập Xê-út; ký MOU về hợp tác nông nghiệp và y tế với Nhật Bản; tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực môi trường với UNDP. Trong quan hệ với Trung Quốc, triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn trong khuôn khổ Sáng kiến BRI, các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc cũng như hợp tác song phương, tập trung trên các lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng và giao lưu văn hóa./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here