Chính phủ Thái Lan đã thông qua Kế hoạch đưa Thái Lan trở thành trung tâm Halal hàng đầu tại Đông Nam Á vào năm 2028, góp phần làm tăng GDP quốc gia lên 1,2%, tương đương khoảng 55 tỷ baht. Theo đó, Ủy ban Công nghiệp và Trung tâm Halal đã được thành lập với kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển nền kinh tế Thái Lan.
Chiến lược nâng tầm Thái Lan trở thành trung tâm Halal vào năm 2028 tập trung vào 5 loại sản phẩm: (1) thực phẩm, (2) thời trang, (3) dược phẩm và sản phẩm thảo dược, (4) cacao, (5) dịch vụ và du lịch. Chiến lược này sẽ được thúc đẩy thông qua ba biện pháp chính: tạo ra nhu cầu, hỗ trợ cung ứng và nâng cao tiêu chuẩn môi trường.
Trong tháng 11/2023, giá trị xuất khẩu thực phẩm Halal của Thái Lan đạt 217 tỷ baht, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu là thực phẩm Halal tự nhiên, bao gồm gạo, ngũ cốc và mía đường. Hiện nay, Thái Lan có 15.043 nhà sản xuất thực phẩm halal và hơn 3.500 cơ sở thực phẩm Halal. Tuy nhiên, quá trình phát triển lĩnh vực sản phẩm Halal của Thái Lan đang đối mặt một số thách thức về hoạt động quảng bá và năng lực của các cơ quan, tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Trước nhu cầu của người Hồi giáo trong nước cùng với nhận thức về các tiêu chuẩn Halal được nâng cao, Chính phủ Thái Lan đã đầu tư thành lập một trung tâm nghiên cứu Halal tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Đây là trung tâm nghiên cứu Halal duy nhất ở Thái Lan và là cơ sở nghiên cứu khoa học Halal đầu tiên trên thế giới. Trung tâm đã phát triển các sáng kiến nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phù hợp với những quy tắc Hồi giáo, như ứng dụng Halal Route nhằm hỗ trợ cho các du khách Hồi giáo dễ dàng tìm kiếm các nhà thờ và nhà hàng Halal khi đến Thái Lan.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)