Triển khai Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch hành động số 27/KH-UBND với mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Nhằm chỉ đạo việc xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đối với các mục tiêu phát triển bền vững thuộc trách nhiệm của thành phố Cần Thơ, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tại Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 26/5/2018. Theo đó, xác định trách nhiệm cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong hoạt động của Ban Chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển bền vững. Tuy nhiên, thành phố hiện không xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đối với các mục tiêu phát triển bền vững mà thực hiện cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, gồm 16 nhóm mục tiêu chủ yếu, tương ứng 99 mục tiêu cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển và tình hình thực tế của địa phương.
Các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển bền vững cơ bản được hệ thống hóa và cập nhật vào những chủ trương, định hướng của thành phố vừa đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, vừa đảm bảo sự phát triển của thành phố hài hòa cả về 03 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển bền vững ngay từ trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành,lĩnh vực. Các chỉ tiêu phát triển bền vững được lồng ghép xuyên suốt qua các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của thành phố hàng năm.
Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của thành phố có sự chuyển dịch tích cực, quy mô nền kinh tế thành phố dần tăng lên đáng kể, đi đôi với sức cạnh tranh của nền kinh tế cải thiện, hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh; diện mạo cho thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh hơn bao gồm đô thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm thực hiện việc cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong việc chú trọng thu hút các dự án đầu tư, công nghệ cao, ít ô nhiễm. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường và thành phố kiên quyết từ chối phê duyệt các dự án gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ ô nhiễm cao, nhằm làm thay đổi về nhận thức và ưu tiên cho chất lượng cuộc sống, chất lượng việc làm, môi trường sinh thái.
Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược, chính sách phát triển
Triển khai Quyết định số 2158/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, 2026 – 2030 của Bộ, ngành và địa phương; và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành trong đó thực hiện lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, gắn liền với thực trạng kinh tế – xã hội.
Đồng thời, từng bước nhận dạng đầy đủ và chính xác tình hình thực hiện phát triển bền vững ở phạm vi địa phương trong từng thời kỳ. Trong đó, thành phố ưu tiên các mục tiêu có tính khả thi cao, có khả năng huy động nguồn lực để thu thập và triển khai thực hiện; ưu tiên các mục tiêu phù hợp với các “đột phá chiến lược” đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố từng nhiệm kỳ và các văn bản định hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Trong công tác lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định quan điểm là Quy hoạch thành phố không những phải thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL có liên quan đến địa phương mà còn phải đảm bảo tuân thủ, phù hợp, thường xuyên cập nhật những chủ trương, định hướng lớn về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh và các điều ước quốc tế về phát triển bền vững mà Việt Nam là nước thành viên.
Quan tâm lồng ghép triển khai các nội dung về phát triển bền vững vào các định hướng phát triển và chính sách trong giai đoạn mới của thành phố. Theo đó, chú trọng xem xét yếu tố phát triển bền vững và tăng trưởng xanh trong kế hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, kế hoạch đầu tư các dự án, thành phố đã triển khai một số nội dung có liên quan đến phát triển bền vững, cụ thể như: (i) ban hành Kế hoạch hành động số 200/KH-UBND ngày 22/9/2022 triển khai nhiệm vụ về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch hành động số 224/KH-UBND ngày 31/10/2023 về tăng trưởng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; (ii) Đối với lĩnh vực xã hội: các Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn và hàng năm; (iii) Đối với lĩnh vực môi trường: Kế hoạch số 5114KH-UBND ngày 02/6/2023 về việc thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Cần Thơ…
Bài học kinh nghiệm
Một số bài học kinh nghiệm, thành phố đã đúc kết trong quá trình tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững:
Thứ nhất, việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi quyết tâm, thống nhất ý chí và hành động của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, Quy hoạch, kế hoạch và các chương trình phát triển của quốc gia và địa phương. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền thành phố còn tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền đến tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, triển khai thực hiện các văn bản, hệ thống Đài Truyền thanh quận, huyện, Cổng Thông tin điện tử thành phố về các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với cách tiếp cận “từ dưới lên” kết hợp với cách tiếp cận “từ trên xuống” trong công tác lập kế hoạch và xây dựng chính sách; khuyến khích sự tham gia của cộng đông dân cư vào quá trình tham vấn khi thiết kế và xây dựng các chương trình, chính sách, các dự án phát triển, đồng thời định hướng các chương trình phát triển này theo xu hướng phát triển bền vững của thế giới.
Thứ ba, tăng cường huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế trong chuyển giao về tài chính, kỹ thuật cho các thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của các cấp; bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tập trung huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ tư, tăng cường vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Thành viên trong việc giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu.
Đinh Tấn Phong
Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ