Các quốc gia châu Á đang tăng mạnh nhập khẩu cà phê Việt Nam, trong đó phải kể đến Indonesia với mức tăng trưởng dẫn đầu các thị trường.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 119.297 tấn với trị giá hơn 356 triệu USD, tăng mạnh 172% về lượng và tăng 126,4% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung 11 tháng đầu năm, nước ta thu về hơn 3,6 tỷ USD với hơn 1,4 triệu tấn cà phê xuất khẩu, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.574 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu, 3 thị trường lớn nhất tiếp tục là Đức, Italy và Nhật Bản với thị phần lần lượt là 10%, 8% và 7,7%.
Cụ thể xuất khẩu nước ta xuất sang Đức 168.384 tấn cà phê và thu về hơn 384 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 7% về trị giá. Italy chi hơn 281 triệu USD nhập khẩu 125.226 tấn cà phê từ Việt Nam, giảm 3% về lượng và tăng 2% về trị giá. Đối với Nhật Bản, nước ta xuất sang quốc gia này 94.287 tấn cà phê kể từ đầu năm và thu về hơn 271 triệu USD, giảm 5% về lượng nhưng tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các quốc gia châu Á đang tăng mạnh nhập khẩu cà phê Việt Nam, trong đó phải kể đến Indonesia với mức tăng trưởng dẫn đầu các thị trường. Cụ thể 11 tháng đầu năm, nước ta xuất sang Indonesia 34.983 tấn cà phê, thu về hơn 116 triệu USD, tăng 158% về lượng và tăng 118% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu đạt 3.329 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian gần đây trong bối cảnh thế giới khan hiếm nguồn cung, Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch nên cà phê đang được giao dịch nhộn nhịp với mức giá cao. Đặc biệt, hướng tới xuất khẩu bền vững, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Tính đến nay, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu của nước ta đạt khoảng 90.000 tấn, chiếm khoảng 5,4% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ vừa qua. Kim ngạch khoảng 510 triệu USD, chiếm khoảng 12,5%.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Sản lượng cà phê năm 2022 đạt 1,897 triệu tấn, tăng 7,5% so với 2020 và tăng 2,8% so với 2021. So với các nước sản xuất cà phê trên thế giới, diện tích cà phê của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 sau các nước: Brazil tổng diện tích gần 1,9 triệu ha, Indonesia tổng diện tích trên 1,2 triệu ha, Colombia và Ethiopia hơn 800 nghìn ha, Bờ Biển Ngà gần 800 nghìn ha.
Tuy là nước có diện tích cà phê đứng thứ 6 thế giới nhưng năng suất cà phê của nước ta đạt cao nhất thế giới. Năng suất trung bình cà phê của Việt Nam cao gấp 1,4 lần của Brazil, gấp 2,8 lần của Colombia và gấp 4,5 lần của Indonesia.
Trong báo cáo về thị trường cà phê mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết ước tính tồn kho cà phê thế giới trong niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước và 4% so với số ước tính cho niên vụ 2022/23.
Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), đối với loại cà phê robusta, hiện gần như chỉ có Việt Nam thu hoạch loại cà phê này, nên đây cũng là lợi thế giúp giá cà phê Việt Nam bán ra ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp nhận định giá cà phê robusta được giao dịch trên sàn London lên đến 3.000 USD/tấn vừa qua là mức cao kỷ lục trong hàng chục năm qua.
Trong thời gian tới các thị trường tiềm năng phải kể đến châu Âu với mức tiêu thụ khoảng 40-50% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam và khu vực này vẫn đang có nhu cầu tốt.
Hồng Châu