Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 16 vụ việc khởi xướng mới đối với pin mặt trời, tủ gỗ, một số sản phẩm thép, hóa chất… bên cạnh nhiều vụ việc đang tiếp tục được điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Lũy kế đến thời điểm này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của khoảng 240 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, do năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh té ngày càng lớn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 354,5 tỷ USD, trong đó có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (11 tháng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng hơn 2 lần năm 2022.
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen như: sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng, quy trình điều tra ngày càng khắt khe, một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ… nhưng công tác kháng kiện năm 2023 cũng đã đạt được những kết quả tích cực.
Điển hình là như Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Hàn Quốc, một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế phòng vệ đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này.
Cùng đó, Philipiness giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat; Mexico đánh giá ngành thép mạ Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó…
Nhờ hoạt động cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó; phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan trong việc trao đổi với các cơ quan điều tra nước ngoài nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngành xuất khẩu Việt Nam được đối xử công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Hiện, Bộ Công thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu.
Năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Như Trung