Nghiên cứu cơ chế xuất khẩu điện gió, điện mặt trời

0
116
(minh họa)

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió, điện mặt trời để xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế để xuất khẩu điện gió, mặt trời. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển điện tái tạo, riêng điện gió ngoài khơi lên tới 600 GW. Nhiều nhà đầu tư cho biết sẵn sàng phát triển loại điện này sang Singapore, Thái Lan, nhưng vẫn thiếu chính sách về cấp phép, đầu tư các dự án này.

Tại thông báo kết luận cuộc họp về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII – cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn, lưới điện – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế để xuất khẩu điện gió, mặt trời. Việc này nhằm tận dụng tiềm năng, tạo giá trị gia tăng và là tiền đề phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thời gian tới.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương và các tỉnh rà soát, cụ thể hóa danh mục các dự án nguồn điện tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, thủy điện nhỏ) sẽ triển khai, nhất là tới 2025.

Ngoài các danh mục dự án thực hiện đến 2025 và 2030, Bộ Công Thương cần lập thêm danh mục dự phòng. Mục đích là để không xảy ra tình trạng bị động trong quản lý quy hoạch, ảnh hưởng cung ứng điện khi các dự án nguồn chậm tiến độ.

Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời là 12.836 MW, trong đó điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, điện mặt trời tự sản tự tiêu 2.600 MW. Bộ Công Thương cũng cần nghiên cứu cơ chế kết hợp giữa nguồn điện tái tạo và điện tích năng/lưu trữ điện, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, đảm bảo an toàn hệ thống, giá cạnh tranh.

Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ giao bộ này rà soát, đưa ra điều kiện, thẩm quyền cho phép điều chỉnh công suất giữa các địa phương hoặc trong một tỉnh, thành phố với các nguồn điện tái tạo.

Theo dự thảo kế hoạch Quy hoạch điện VIII, quy mô vốn ước tính để phát triển các loại nguồn điện là gần 120 tỷ USD. Trong đó, khoảng 76% là vốn tư nhân (gần 91 tỷ USD), còn lại là nguồn lực Nhà nước. Vốn đầu tư công, khoảng 50 tỷ USD, ưu tiên dành để hoàn thiện chính sách, tăng năng lực ngành điện. Vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo gần 29.800 tỷ đồng, hiện cân đối được khoảng 30%.

Hồng Châu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here