Thanh Hoá: Khai thác hiệu quả các FTA, tăng tốc xuất khẩu

0
71
Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa năm 2023 ước đạt 5,06 tỷ USD. (Nguồn: THTH)

Theo báo cáo của Sở Công Thương, xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong tháng 12/2023 tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, sản lượng đa số các mặt hàng đều tăng nhẹ so với tháng trước.

Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa năm 2023 ước đạt 5,06 tỷ USD. (Nguồn: THTH)

Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong tháng 12/2023 ước đạt hơn 602 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với tháng trước như: Hàng may mặc tăng 12,7%; giầy dép các loại tăng 10,8%; đá ốp lát tăng 2%; dăm gỗ tăng 12,5%; hoa quả đóng hộp tăng 8,2%; chả cá surimi tăng 5,6%…

Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, năm 2023, Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu nhiều giải pháp để khơi thông thị trường, ổn định sản xuất; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2023 ước đạt 5,06 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: May mặc, giày dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng…

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có 189 doanh nghiệp xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị. Giá trị nhập khẩu cả năm ước đạt 8,25 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Dầu thô, nguyên, phụ liệu hàng may mặc, nguyên, phụ liệu giầy dép.

Đáng chú ý, hoạt động thương mại của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng khá. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân phong phú, giá cả ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm giá, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, lễ hội; các chương trình kích cầu, chương trình khuyến mại, các hội chợ được diễn ra thường xuyên tại các địa phương; công tác kết nối cung cầu từng bước gắn kết hiệu quả giữa nguồn cung và thị trường, dần hình thành các chuỗi liên kết đối với hàng hóa có nguồn gốc trong tỉnh, chuỗi tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để phục vụ người dân tốt hơn và giảm bớt chi phí trung gian.

Thương mại điện tử ngày càng phát triển, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và thói quen mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 172.926 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Trên cơ sở đà phục hồi của thị trường, năm 2024, ngành công thương Thanh Hóa đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 6 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2023.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here