2023 là một năm kiên cường của Kinh tế Việt Nam

0
60
Ngành điều Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: VGP)

2023: Một năm “kiên cường” 

Chia sẻ với phóng viên, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Andrea Coppola nói rằng nếu được chọn một từ để mô tả kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông sẽ chọn từ “kiên cường”.

Theo ông, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước.

Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là khoảng 2,5% trong năm 2023. Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh.

Giai đoạn cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam phát đi tín hiệu phục hồi rõ rệt. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Thứ hai, các cơ quan chức năng đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt.

Việt Nam cũng thu hút nhiều sự chú ý quốc tế trong năm 2023. Báo chí truyền thông toàn cầu đã đăng tải nhiều bài viết nhấn mạnh thành tích và tiềm năng của Việt Nam. Chuyến thăm của các nguyên thủ thế giới tới Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của những diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.

Bối cảnh kinh tế năm 2024 

Chuyên gia Andrea Coppola cho rằng bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ.

Hiệu suất chưa cao trong năm tới có thể là kết quả của những tác động có độ trễ từ xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra hiện nay, điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu.

Rủi ro chính cho năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột đối với giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.

WB kỳ vọng nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng sự phục hồi sẽ không diễn ra mạnh mẽ như trước. Tình hình đầy thách thức này có thể kéo dài trong một thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam nâng cao sức chống chọi trước các cú sốc bên ngoài và tận dụng sức mạnh nội tại cũng như năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách này, Việt Nam có thể biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu tạo ra thành cơ hội để củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, chuyên gia của WB cho rằng người dân Việt Nam là nguồn nội lực lớn nhất của đất nước. Do đó, ông khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và cải thiện năng suất bằng cách nâng cao trình độ của lực lượng lao động để có thể tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân.

WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025

Theo Phương Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here