Diễn đàn Quốc tế Công nghiệp và Đầu tư Vùng Primorye lần 1

0
41

Từ ngày 20-21/12, tại thành phố Vladivostok ở Vùng Viễn Đông của Liên bang Nga đã diễn ra Diễn đàn Quốc tế Công nghiệp và Đầu tư Vùng Primorye lần thứ nhất.

Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Thứ nhất phụ trách Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Liên bang Nga Gadzhimagomed Guseinov, Thống đốc Vùng Primorye Oleg Kozhemyako, đại diện của Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và hơn 1.000 doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thống đốc Vùng Primorye, ông Oleg Kozhemyako, cho biết 9 tháng đầu năm, địa phương này đã thu hút được 240 tỷ ruble (2,63 tỷ USD), đây là con số kỷ lục, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến trong năm 2023, Vùng Primorye sẽ thu hút được khoảng 350 tỷ ruble vốn đầu tư.

Ông Gadzhimagomed Guseinov, Thứ trưởng Thứ nhất phụ trách Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực cho biết các nhà đầu tư trong Khu ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội (ASEZ) và Cảng Tự do Vladivostok đã đầu tư gần 640 tỷ ruble vào nền kinh tế của Vùng Primorye.

Tham dự Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Thành, Đại diện Thương mại Việt Nam tại Viễn Đông, cho biết, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Vùng Viễn Đông của nước Nga dự kiến đạt 257 triệu USD trong năm 2023, trong đó Vùng Primorye với các cảng biển Nakhodka và Vladivostok chiếm khoảng 65% kim ngạch này, vào khoảng 167 triệu USD.

Dự kiến, cuối mùa Xuân năm 2024 sẽ khởi công xây dựng dự án nhà máy chế biến sữa TH True Milk tại Khu ưu tiên phát triển Mikhailovsky thuộc Vùng Primorye.

Hiện Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok và Đại diện Thương mại Việt Nam tại Viễn Đông đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư Việt Nam để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Cảng cạn Việt Nam tại Vladivostok.

Theo Đại diện Thương mại Việt Nam Nguyễn Hồng Thành, Việt Nam và Vùng Primorye còn có nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như đóng và sửa chữa tàu biển, tham gia đấu thầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trong bối cảnh Vùng Primorye đang phát triển mạnh mẽ, cung cấp hàng hóa công nghiệp nhẹ, như quần áo, giày dép, đồ gia dụng và thực phẩm chế biến vốn là thế mạnh của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của vùng Viễn Đông, Siberia và xa hơn nữa./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here