
Các địa phương có biển phía Nam đã mở đợt cao điểm chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Sau đợt kiểm tra thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC), nghề cá và hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn chưa được EC gỡ bỏ “thẻ vàng”. Đồng thời, EC còn đưa ra nhiều khuyến nghị để việc quản lý đội ngũ tàu cá khai thác xa bờ chặt chẽ hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng tàu cá còn vi phạm vùng biển nước ngoài tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Do đó, các địa phương này cần có sự liên kết chặt chẽ trong quản lý tàu cá khai thác xa bờ, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Trước thực tế này, tỉnh Bến Tre thể hiện quyết tâm lớn cùng cả nước để gỡ “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của EC.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đã ký kết Kế hoạch phối hợp với 8 tỉnh từ Kiên Giang, Cà Mau đến Bình Thuận trong quản lý tàu cá; ký Quy chế phối hợp với Cảnh sát biển 3, Cảnh sát biển 4 trong chống khai thác IUU. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin trong quản lý và phối hợp xử lý tốt các trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.
Tương tự, tỉnh Bình Thuận cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển triển khai nhiều giải pháp chống khai thác bất hợp pháp. Trong năm 2023, tỉnh vẫn còn 1 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Bình Thuận đã phối hợp với lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản một cách quyết liệt, thường xuyên. Đồng thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá. Qua đó, phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Việt Nam hiện nay vẫn còn một số khó khăn do một số thành phần trục lợi trong hoạt động giám sát, không tuân thủ Luật thủy sản 2017. Qua đợt kiểm tra hồi tháng 10/2023 đối với nghề cá Việt Nam, EC đã khuyến nghị quản lý chặt việc xâm phạm vùng biển nước ngoài của đội ngũ khai thác như: Bình Thuận còn 7 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, Kiên Giang 1 trường hợp, Bến Tre 1 trường hợp…
Từ đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi liên quan để thực hiện khuyến nghị của EC, tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản; trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm.
Bộ Công an cũng khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.
Hồng Châu