Nâng vị thế ngành quế Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chính

0
64
Chú thích ảnh: Các doanh nghiệp quế chưa tận dụng hết dư địa thị trường FTA, thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực. (Nguồn: Tổ quốc)

Để ngành quế đi “đường dài” tại các thị trường FTA thế hệ mới, doanh nghiệp cần định vị thị trường trong chiến lược xuất khẩu, nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường để lên chiến lược tiếp cận…

Các doanh nghiệp quế chưa tận dụng hết dư địa thị trường FTA, thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực. (Nguồn: Tổ quốc)

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đối với ngành quế tại Quảng Nam, ngày 21/12.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam Hường Văn Minh chia sẻ, cây quế Quảng Nam nổi danh với danh xưng  “cao sơn ngọc quế”, đây là một trong những cây trồng truyền thống, là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc từ nhiều năm nay. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My tỉnh Quảng Nam năm 2011 và sản phẩm vỏ quế năm 2015 với logo riêng.

Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên quế Trà My được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, chất lượng quế Trà My giảm sút nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, người dân địa phương phải chặt bỏ nhiều diện tích quế để trồng các loại cây khác.

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng quế toàn tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 12.000 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My là 2.400ha; Nam Trà My là 8.814 ha; Tiên Phước hơn 145 ha.

Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến quế tập trung sản xuất hơn 50 sản phẩm từ quế gồm tinh dầu quế, bột gia vị, nước rửa chén, nước lau sàn, sát khuẩn, dầu xoa bóp, xà phòng quế, đèn mỹ nghệ quế, các loại tranh từ vỏ quế, túi thơm quế, quế kẹp, quế vỏ cạo, quế chi… Các sản phẩm từ quế được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản… ưa chuộng.

Đại diện doanh nghiệp trồng, chế biến và tiêu thụ quế Quảng Nam cho biết, hiện nay người trồng quế ở Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn như năng lực và nguồn nhân lực địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế.

Cùng với đó, nguồn vốn doanh nghiệp hạn hẹp để đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng, nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm; sản lượng quế hằng năm chưa cao nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các thị trường nhỏ, lẻ trong và ngoài huyện.

Ngoài ra, sản phẩm từ cây quế chủ yếu ở dạng thô (vỏ quế) nên thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng và giá cả không ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ thủ tục để xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế ra thị trường các nước trên thế giới, nhất là các thị trường thương mại tự do.

Về các vấn đề doanh nghiệp quế Việt Nam gặp phải khi tận dụng FTA, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết dư địa thị trường FTA, thiếu và yếu về vốn, công nghệ, năng lực.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tư duy làm “thô”, chưa chú trọng làm thương hiệu; chưa quan tâm đúng mức về phát triển thương hiệu bền vững, thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau dẫn đến việc tận dụng FTA, nâng vị thế ngành quế Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chính”, ông Ngô Chung Khanh nhìn nhận.

Để ngành quế phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh đã đưa ra một số giải pháp đối với các cơ quan quản lý.

Theo ông Khanh, cần tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào…); tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Ví dụ có chương trình hỗ trợ riêng cho tận dụng FTA, nguồn tín dụng riêng, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Đồng thời, phải tăng cường cung cấp thông tin, cập nhật chính sách cho doanh nghiệp.

Đối với góc độ doanh nghiệp, cần định vị thị trường FTA thế hệ mới trong chiến lược xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các thông tin và chính sách thị trường FTA để lên chiến lược tiếp cận các thị trường này. Phải tối ưu hóa chi phí và năng lực sản xuất thông qua kết nối với các doanh nghiệp khác; định hướng thay đổi từ gia công sang xây dựng thương hiệu.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here