Chuyên gia: Khu vực Nam Bộ có thêm cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo

0
87
Khu vực Nam Bộ có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... (Nguồn: VNEEP)

Ngày 21/12, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính – Marketing đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ”.

Khu vực Nam Bộ có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… (Nguồn: VNEEP)

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Riêng điện mặt trời, tiềm năng khoảng 963.000 MW gồm: điện mặt trời mặt đất khoảng 837.400MW; điện mặt trời mặt nước (điện mặt trời nổi) khoảng 77.400MW; điện mặt trời mái nhà khoảng 48.200MW.

Trên phạm vi cả nước, khu vực Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện…

Cụ thể, số giờ nắng tại khu vực Nam Bộ từ 2.000-2.600 giờ/năm, lượng bức xạ mặt trời lớn. Chỉ tính tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình lượng bức xạ mặt trời khoảng 1.581kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3kWh/m2/ngày.

Đây là những yếu tố thuận lợi để thu hút các quỹ đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.

PGS. TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, quốc gia nào đi trước, kiểm soát và làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất năng lượng tái tạo sẽ thuận lợi trong an ninh năng lượng và tạo điều kiện thúc đẩy lợi thế cạnh tranh và thu hút nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Tại Việt Nam, khu vực Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, thủy điện…

Theo ông Vũ Tuấn Hưng, sự phát triển năng động với cực tăng trưởng là TP. Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu về năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo rất lớn. Ngoài ra, khu vực Nam Bộ hiện đang có thêm cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo, tạo giá trị gia tăng và vươn xa chủ động nâng cao tầm ảnh hưởng, vị trí của Việt Nam. Đây là cơ hội cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Từ năm 2018 – 2022, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về quy mô. Đến cuối năm 2022, ước tính sản lượng điện phát từ năng lượng tái tạo đạt 130 tỷ kWh, chiếm khoảng 48% sản lượng điện phát của hệ thống điện Việt Nam (35% thủy điện, 13% điện gió, mặt trời và sinh khối).

Tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát điện của hệ thống điện Việt Nam cũng tăng nhanh, từ 27% năm 2010 lên 48% năm 2022.

Trong tương lai, theo các chuyên gia, để phát triển năng lượng tái tạo, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy, nhưng hiện vẫn còn một số bất cập bởi các cơ chế chính sách chưa thực sự có sự liên thông thống nhất. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá thực hiện phát triển năng lượng tái tạo theo chính sách, pháp luật là rất cần thiết.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Dương Văn Toán (Viện Nghiên cứu biển và hải đảo) đề xuất, cần có nghiên cứu để xây dựng chính sách đặc thù cho từng loại năng lượng táo tạo; khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư cho lĩnh vực này.

Cùng với đó, cần nghiên cứu các chính sách về truyền tải điện; phát triển các nguồn năng lượng điện nhiệt, năng lượng thủy triều, hải lưu… nhằm tận dụng các lợi thế, tiềm năng về năng lượng tái tạo của khu vực Nam Bộ.

Còn ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho rằng, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió; riêng điện mặt trời, tiềm năng khoảng 963.000 MW.

Với sự thúc đẩy của Quy hoạch điện VIII và cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường kết hợp năng lượng tái tạo để giảm carbon trong ngành điện. Trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo cũng được ưu tiên phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ông nhấn mạnh: “Khu vực Nam Bộ có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Các khu công nghiệp thông minh và bền vững, chú trọng các giải pháp tự động hóa, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo… sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Việc áp dụng, triển khai các sáng kiến xanh cũng góp phần giúp khu công nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here