Việt Nam cam kết mở rộng hợp tác, hỗ trợ Châu Phi bảo đảm an ninh lương thực

0
56

Trong khuôn khổ Festival lúa gạo Quốc tế – Hậu Giang, chiều 12-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã đồng tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam – châu Phi: Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sự liên kết giữa các nước đang phát triển có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó đoán định và chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, đói nghèo và xung đột.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, đang hướng đến sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm trách nhiệm, bền vững; là nền nông nghiệp xanh, ít phát thải, mục tiêu mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Với những kinh nghiệm của mình, cùng sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng, cam kết mở rộng hợp tác Nam – Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thịnh vượng.

Vào tháng 4-2023, Việt Nam đã phối hợp FAO, IRRI cùng nhiều đơn vị quốc tế tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của Mạng lưới một hành tinh. Qua hội nghị, đại diện các nước, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm.

“Hội thảo hôm nay mở ra nhiều cơ hội hợp tác Nam – Nam chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, hợp tác ba bên giữa Việt Nam – đối tác quốc tế – châu Phi vì sự thịnh vượng, phát triển bền vững của các bên và thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng về sản xuất lúa gạo, có kinh nghiệm lớn về lĩnh vực này, có thể chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước châu Phi trong quan hệ hợp tác Nam – Nam. Các nước châu Phi học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh lương thực./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here