Nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sáng 19/7, tại Hà Nội, các đơn vị của Bộ Ngoại giao gồm Vụ ASEAN, Vụ Tổng hợp Kinh tế và Báo Thế giới & Việt Nam, phối hợp với Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA, Nhật Bản) tổ chức buổi Tọa đàm “50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho danh nghiệp Việt Nam” và triển lãm, giao lưu bên lề.
Sự kiện có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh và khoảng 200 đại biểu trong và ngoài nước, các khách mời từ các Bộ, Ngành Trung ương, cơ quan nghiên cứu uy tín và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, ERIA công bố nghiên cứu, đánh giá được thực hiện trong thời gian qua về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Ngoài ra ERIA cũng phân tích các cơ hội và thách thức của AEC trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới có nhiều chuyển biến bất ngờ hiện nay.
AEC – nấc thang mới của ASEAN
Năm 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng cho chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua nửa thế kỷ với nhiều chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN đã trở nên lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Cộng đồng ASEAN chính thực được hình thành với 3 trụ cột: Chính trị- An ninh, Kinh tế và Văn hoá xã hội vào ngày 31/12/2015.
Là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN, sau hơn một năm thành lập, Cộng đồng kinh tế (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN. Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.
Trợ lý Bộ trưởng Vũ Quang Minh cho rằng Tọa đàm là cơ hội tốt để cùng chia sẻ, trao đổi, làm rõ và đặc biệt là tìm ra các ý tưởng, phương thức mới để giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đối phó với thách thức trong quá trình hội nhập AEC đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Quang Minh – Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, khẳng định sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Theo ông, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, thế nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua trong đó có Việt Nam.
Cơ hội rất lớn
Phát biểu tại Tọa đàm, Giáo sư Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA chia sẻ, qua nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng cho toàn bộ khu vực Châu Á nói chung. Theo GS. Nishimura, sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á dựa vào 3 yếu tố chính mà ông gọi tắt là PPN – Hòa bình, Dân số và Sự ổn định bình thường. Việc duy trì 3 yếu tố này đòi hỏi các nước phải có những nỗ lực hết sức mạnh mẽ.
GS. Nishimura cho biết, ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực nền tảng sản xuất chung, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN. Chủ tịch ERIA cho rằng: “ASEAN tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới nên Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội trong mọi lĩnh vực khi hình thành AEC, trong đó có dịch vụ, xây dựng hay du lịch… Làm thế nào để tận dụng lợi thế mà ASEAN mang lại? Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu mở rộng sự có mặt của mình trong ASEAN”.
Đối với Việt Nam, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.
ASEAN là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN. Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững thời gian qua.
Cần quyết liệt vượt qua thách thức
Theo các chuyên gia của ERIA, trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc nắm rõ tình hình của cộng đồng AEC nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra điểm yếu của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội phát huy điểm mạnh trong việc hội nhập hiệu quả với khu vực, từ đó hướng ra thị trường toàn cầu.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định, trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, FTA với các đối tác thương mại chính.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cũng cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh trong quá trình hội nhập như mục tiêu phát triển khác nhau, già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.
Theo ông Lê Lương Minh, thực tế trên đòi hỏi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần vượt qua những thách thức. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào TPP, đàm phán RCEP và kí FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.
Trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông bên lề tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN đang cùng chia sẻ những lợi thế nổi trội khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trên nền tảng của một ASEAN đang là một “trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về AEC.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, so với các doanh nghiệp của bạn trong khối ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế hơn, kinh nghiệm cũng ít hơn, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế… Đây là những trở ngại chính khi Việt Nam tham gia AEC. “Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC là rất lớn nhưng đây cũng chính là cơ hội còn việc Việt Nam có tận dụng được hay không là do khả năng, sức cạnh tranh và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục “đổi mới” và cải cách nền kinh tế. Tinh thần “đổi mới” được thể hiện qua những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và lắng nghe. Ở trong nước, Chính phủ tạo môi trường để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển. Ở bên ngoài, Chính phủ tạo những khuôn khổ và môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập. Chính phủ luôn đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng thành công sẽ chỉ đến với những doanh nghiệp nhận thức được cơ hội và nắm bắt được cơ hội.
Chu Văn