Kỳ vọng vào nguồn vốn FDI – động lực tăng trưởng xuất khẩu

0
380
6 tháng đầu năm 2017, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,22 tỷ USD.

Sáu tháng đầu năm 2017, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới với 19,2 tỷ USD vốn đăng ký, tăng hơn 50% so với năm 2016.

Cùng với hiệu ứng từ kết quả các chuyến thăm cấp cao và các hiệp định thương mại tự do mang lại, Việt Nam hoàn toàn có thể có được thêm các dòng vốn FDI, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong năm 2017. Kết quả này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn đang thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn quan trọng cho phát triển công nghiệp

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, có 1.183 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 11,83 tỷ USD.

Cùng với đó, có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD. Riêng nguồn vốn từ góp vốn, mua cổ phần tăng tới 97,6% so với cùng kỳ 2016 được xem là hiện tượng, là điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo thống kê, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài “dội vốn” là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hết 6 tháng 2017, lĩnh vực này thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất với 11.833 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD, chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá, với cơ cấu đầu tư như vậy sẽ có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước… thì đây là tín hiệu khá tích cực.

Bên cạnh đó, bức tranh thu hút FDI càng thêm sáng sủa khi nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cao trong thời gian qua, nguồn vốn đầu tư từ Mỹ, một số nước từ châu Âu như Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ… cũng đang tăng lên. Đây chính là cơ hội để ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có thể tiếp thu trình độ khoa học công nghệ và quản trị từ các đối tác nước ngoài.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỷ USD, tăng 13,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỷ USD, tăng 21%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 18,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,6 tỷ USD, tăng 28,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,92 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,22 tỷ USD.

Như vậy, khu vực FDI cũng đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ cân bằng cán cân thương mại, thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Tiếp tục kỳ vọng bước đột phá

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, từ nay đến cuối năm 2017, nguồn vốn FDI có nhiều hy vọng sẽ thiết lập thêm các kỷ lục, đặc biệt là sau các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nga, Belarus và của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hà Lan.

Các chuyến thăm quan trọng này đều có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của các nước tham dự diễn đàn doanh nghiệp do các nhà lãnh đạo hai nước chủ trì. Cũng tại các chuyến thăm này, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, hợp đồng đầu tư hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước đã được ký kết. Đây chính là động lực thu hút nhà đầu tư của những nước này vào Việt Nam.

Quan trọng đây đều là những quốc gia phát triển, có các tập đoàn, công ty toàn cầu với công nghệ cao, hiện đại, năng suất lao động lớn… khi đầu tư vào, sẽ là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện bền vững.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một yếu tố thuận lợi nữa là việc 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã, đang và sẽ có hiệu lực và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới. Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Ngoài ra, việc tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn vốn FDI đăng ký năm 2017 sẽ tiếp tục tăng cao, nguồn vốn thực hiện sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.

Dòng vốn FDI tăng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng xuất khẩu, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của cả năm 2017.

Hiền Lê

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here