Quy mô nền kinh tế Kiên Giang đạt gần 130.000 tỷ đồng, xuất khẩu dần lấy lại đà tăng trưởng

0
82
Kiên Giang sẽ tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: Phương Vũ)

Năm 2023, kinh tế của tỉnh Kiên Giang phục hồi, tốc độ tăng trưởng đạt 6,79%; quy mô nền kinh tế đạt gần 130.000 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiên Giang sẽ tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: Phương Vũ)

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 73,74 triệu đồng. Sản lượng lúa cả năm đạt 4,55 triệu tấn, vượt 3,54% kế hoạch. Tỉnh thu hút 8,06 triệu lượt khách du lịch, dự kiến hết năm 2023 thu hút hơn 8,5 triệu lượt khách, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 15,3% so cùng kỳ.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh, tình hình xuất khẩu của tỉnh năm 2023 có những chuyển biến tích cực, nhất là trong những tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, tết cuối năm đã góp phần tăng cao kim ngạch xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng và đạt kế hoạch đề ra, tăng so với năm 2022, nhờ những kết quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho hay, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 920 triệu USD, tăng 6,98% so với năm 2023.

Để đạt mục tiêu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tiềm năng gắn với củng cố và khai thác các thị trường truyền thống.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu về nông sản, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu theo quy hoạch để nâng cao giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Tỉnh tập trung tổ chức Festival về lúa gạo, thủy sản tại tỉnh nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh kết nối giao thương giữa Kiên Giang với các địa phương trong cả nước.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức lại nông sản, thủy sản theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, an toàn, đạt chứng nhận VietGAP, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực lúa gạo, tôm, cua, yến sào… để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất và chế biến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Kiên Giang sẽ tích cực thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức.

Qua đó, giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động kinh tế ngoại thương, xuất khẩu hàng hóa.

Mai Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here