Bình Định khai thác kênh ngoại giao, tận dụng ngoại lực để thu hút FDI

0
97
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND Bình Định (thứ ba từ trái qua) làm việc với GBE Prime, công ty môi giới bán lẻ của UAE trong chuyến công tác tại Trung Đông từ 7-11/12. (Nguồn: BinhDinh Invest)

Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết tiếp xúc qua kênh ngoại giao để tận dụng ngoại lực là cách Bình Định thu hút vốn đầu tư FDI trong năm qua.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND Bình Định (thứ ba từ trái qua) làm việc với GBE Prime, công ty môi giới bán lẻ của UAE trong chuyến công tác tại Trung Đông từ 7-11/12. (Nguồn: BinhDinh Invest)

Theo ông Lê Hoàng Nghi, tỉnh đã thông qua các kênh ngoại giao đã kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các cấp chính quyền của nhiều nước; ký kết 11 thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó có 7 thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Trong đó có thể kể đến như: Bản ghi nhớ hợp tác nhằm tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển thương mại giữa tỉnh Bình Định và các đối tác, doanh nghiệp Đức ký với AHK (Phòng Công nghiệp và Thương Mại Đức tại Việt Nam); Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA)…

Hiệu quả lâu dài được thể hiện qua con số 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,18 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ từ trước đến nay. Trong đó riêng năm 2023, tỉnh thu hút 6 dự án FDI đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 46,2 triệu USD; điều chỉnh 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 46,5 triệu USD.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 128 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng; hoạt động xúc tiến đầu tư các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ… được tổ chức dưới nhiều hình thức linh hoạt từ thăm, làm việc đến hội thảo, triển lãm sản phẩm, quà tặng…

Cùng với đó, các hoạt động trao đổi thư thăm hỏi, giao lưu hữu nghị nhân các ngày lễ, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước và nhân các sự kiện chính trị quan trọng được duy trì thường xuyên, góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nối, thu hút đầu tư với các đối tác mà tỉnh đã thiết lập.

Thách thức lớn nhất của tỉnh Bình Định trong thu hút FDI, theo ông Lê Hoàng Nghi là nằm quá xa hai trung tâm phát triển của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, dẫn đến khó tận dụng dư địa và sự lan tỏa từ hai thành phố lớn này. Hơn nữa, hạ tầng của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp trong những năm qua song chưa phát triển so với các thành phố lớn. Thêm vào đó, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đủ để đáp ứng được đòi hỏi của các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sạch, giá trị gia tăng cao… Hạ tầng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa cung ứng đủ.

Thời gian qua, một số dự án tiến hành chậm, một phần do khả năng của nhà đầu tư, mặt khác do những bất cập trong quản lý đất đai và khó khăn giải phóng mặt bằng.

Covid-19 và bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng kéo theo sự thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành công nghiệp chủ lực, cùng với đó là sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, giảm đầu ra do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU.

Để khắc phục các hạn chế nói trên tỉnh Bình Định đã chủ động và kêu gọi sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như khu vực tư nhân nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế, làm thêm hai cảng biển là Hoài Nhơn và Phù Mỹ cũng như tiếp tục đầu tư đường bộ để kết nối các khu công nghiệp, liên kết vùng. Đồng thời, đầu tư thêm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Cùng với đó, địa phương tiếp tục chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất sạch cũng như hạ tầng mềm là các cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng.

Tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đánh giá xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài về Việt Nam để lựa chọn thu hút các dự án FDI chất lượng cao để phục hồi sau đại dịch. Các dự án thu hút sẽ bám sát 5 nhóm ngành được xác định là trụ cột tăng trưởng, trong đó chú trọng đến công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, quy mô lớn, thân thiện với môi trường, các ngành dịch vụ mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi duy trì đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp thường xuyên để lấy ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn với tinh thần trân trọng và cầu thị, “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”; tiếp tục kết nối và làm việc các kênh ngoại giao để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.

Mạnh Dũng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here