Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Thành phố tăng 5,81%, chỉ số công nghiệp tăng 4,6%, các ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,4%. Tổng mức dịch vụ bán lẻ tăng 10,84%. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 22%, hàng hóa qua cảng biển tăng 5,59%.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Hồ Đức Phớc với UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và tài chính – ngân sách nhà nước, ngày 15/12.
Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2023, TP. Hồ chí Minh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc lên quan tới nhóm chính sách về bất động sản; nhóm chính sách về doanh nghiệp có vốn đầu từ trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhóm chính sách liên quan đến thủ tục đầu tư).
“Thành phố đã tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư, lắng nghe ý kiến, chia thành lập các tổ tháo gỡ khó khăn cho ý kiến và xử lý quyết liệt”, ông Mãi thông tin.
Cùng với đó, nỗ lực hoàn thiện thể chế, trong đó có việc tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 và hiện nay đang tiếp tục tham mưu cho các cơ quan liên quan để cụ thể hóa Nghị quyết 98 bằng cách tham mưu ban hành các nghị định về lãi vay với các dự án BT.
Bên cạnh đó, tập trung khởi động lại các dự án lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh khởi công đường vành đai 3 và một số dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn cơ sở hạ tầng… tạo thuận lợi cho kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến ước tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 439.000 tỷ đồng, bằng 93,53%; thu nội địa đạt 98,5% dự toán; Chi NSNN ước đạt khoảng 126.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2022. Trong đó, chi đầu tư công để triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng cũng giúp tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố.
Về kế hoạch năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7,5-8%. Năm 2024, dự kiến thu tăng hơn 2023 đây là nhiệm vụ hết sức thách thức, nhưng Thành phố sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện và mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính, tháo gỡ kịp thời các cơ chế, chính sách để Thành phố phát triển.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị có định hướng để Thành phố tiếp cận với nguồn vốn ODA thế hệ mới hoặc nguồn tín dụng quốc tế để giải quyết nhu cầu về vốn cho các dự án lớn. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra ví dụ về đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 220km đường sắt đô thị, nhưng hiện nay mới xây dựng được 20km. Do đó, TP. Hồ Chí Minh mong muốn tiếp cận các nguồn vốn ODA hoặc các nguồn phù hợp để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đầu tư lớn để phát triển.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, luôn xác định TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là trung tâm kinh tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế cả nước nên luôn tạo điều kiện tối đa để Thành phố phát triển, từ đó, để hỗ trợ các địa phương khác phát triển. Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng Thành phố để có bước đi nhanh, đột phá nhưng phải chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng, dự báo năm 2024 sẽ còn nhiều thách thức. Ngành Tài chính cũng được Quốc hội giao chỉ tiêu thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 5% trừ phần giảm phí, như vậy cần tăng trưởng 8,6%). Để đạt được số thu NSNN như năm qua, ngành Tài chính đã phải rất nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc triển khai hóa đơn điện tử, kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối hải quan thông minh…
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp nhằm tăng thu NSNN như kết nối hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, hóa đơn xăng dầu; thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn hóa đơn điện tử giả. Đồng thời, tập trung quản lý thuế thương mại điện tử,… bởi đây là những nguồn thu rất tiềm năng.
Bộ trưởng cũng đề nghị Thành phố bám sát dự thảo sửa Luật đất đai vì khi ban hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Thành phố.
Về điều chuyển phân cấp sử dụng tài sản công, có thể ủy quyền cho cấp huyện xã hay không, Bộ trưởng đề nghị Thành phố thực hiện theo pháp luật hiện hành.
Gia Thành