Tọa đàm các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp

0
113
Vụ THKT
(Tuấn Anh)

Ngày 15/12/2023, tại Trụ sở nhà làm việc Bộ Ngoại giao đã diễn ra Tọa đàm các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội, doanh nghiệp. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Đây cũng là lần thứ 3 Bộ Ngoại giao tổ chức sự kiện ý nghĩa này.

Tham dự Tọa đàm có hơn 500 đại biểu, trong đó có trên 90 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện được tiến cử và khoảng 370 lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Tọa đàm đã trao đổi, đánh giá tình hình kinh tế thế giới; xác định các cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tới, cũng như bàn về các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư và tạo đột phá trong các lĩnh vực mới. Sau phiên Khai mạc, đã diễn ra 03 phiên thảo luận chính với các chủ đề: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; Phát triển ngành Halal tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng khẳng định Ngoại giao kinh tế đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Ngoại giao kinh tế trở thành nội hàm trung tâm xuyên suốt trong các hoạt động đối ngoại các cấp, góp phần duy trì cục diện hòa bình…, thuận lợi cho phát triển đất nước, tạo dựng được các khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng, cân bằng, tạo ra cơ hội mới, thời cơ mới. Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, các đại biểu tham gia Tọa đàm đều bày tỏ và đánh giá đối ngoại là điểm sáng nổi bật của Việt Nam trong năm 2023, đồng thời khẳng định trong những năm qua, các doanh nghiệp trong nước đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao nói chung, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. TS. Cấn Văn Lực đánh giá rất cao sự đổi mới trong hoạt động Mgoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao thời gian qua. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ đã tập trung cho công tác Ngoại giao kinh tế, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định ngành Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chính là chỗ dựa của doanh nghiệp, là nơi doanh nghiệp tìm đến khi gặp khó khăn.

Tình hình thế giới được nhận định diễn biến phức tạp, khó lường, năm 2023 tiếp tục là năm “họa vô đơn chí” khi thời tiết khắc nghiệt, hậu quả của dịch bệnh nặng nề, các cuộc xung đột diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, thế giới ngày càng đa cực, phân mảnh, khiến GDP toàn cầu giảm từ 0,3-0,7%. Trong bối cảnh đó, các Đại sứ cho rằng để hóa giải khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội, bên cạnh sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp cần quyết tâm, chủ động, linh hoạt để chinh phục thị trường và thu hút đầu tư.

Nhiều đề xuất, mong mỏi của các doanh nghiệp đã được nêu tại Tọa đàm, đi cùng với đó là những băn khoăn, trăn trở làm thế nào để tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, không để biến từ “hy vọng” thành “thất vọng”. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn “Chính phủ hãy coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng của mình, bởi vì chúng tôi đóng thuế cho Chính phủ. Chúng tôi cũng mong Bộ Ngoại giao coi doanh nghiệp là khách hàng và Lãnh đạo Bộ sẽ có KPI cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”. Các đại biểu nhấn mạnh mong muốn được chia sẻ thông tin về quy định, chính sách sở tại cho doanh nghiệp Việt Nam; kinh nghiệm phát triển ở nước ngoài để đi tắt đón đầu; kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư cho địa phương, doanh nghiệp Việt Nam quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.

Vụ THKT

Với các mong muốn của doanh nghiệp, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết sẵn sàng, cởi mở về thông tin đối với doanh nghiệp, song cũng đề nghị các doanh nghiệp, địa phương cần chủ động tiếp cận các đối tác, tham gia các diễn đàn, hội thảo, hội chợ để tìm hiểu đối tác về năng lực, nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải thực tế, soi vào điều kiện của mình để nhận ra mình có gì, thiếu gì để khắc phục. Các Bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp để cùng tháo gỡ vướng mắc.

Vụ THKT

Sau buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp, hiệp hội và các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia Phiên kết nối, gặp gỡ và trao đổi nhằm cụ thể hóa các nội dung tại Tọa đàm.

(Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại giao)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here