Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc

0
447
Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

Thanh Hóa đã và đang tận dụng tiềm năng lợi thế về giao thông, nguồn nhân lực dồi dào và các cơ chế chính sách ưu đãi để hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc.

Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn. (Nguồn: sgtvt.thanhhoa.gov.vn)

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, trong đó, nêu rõ: Xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa, với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha và Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, với quy mô tối thiểu khoảng 20 ha.

Tỉnh Thanh Hóa hội tụ đủ 5 phương thức vận tải (đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không). Đặc biệt, cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) được quy hoạch là một trong 5 cảng biển trung tâm của cả nước. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng được Trung ương hỗ trợ như Nghị quyết 37 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (để lại nguồn tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn); Thông tư 21 ngày 10/12/2021 của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ ngồi tại cảng Nghi Sơn (cảng Nghi Sơn là 1 trong 6 cảng biển trên cả nước được thực hiện hoạt động nhập khẩu đối với ô tô dưới 16 chỗ).

Thanh Hóa cũng đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics như: ban hành Nghị quyết 248 để hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến; bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa container qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ từ 700 nghìn đồng – 3 triệu đồng/container.

Song song với các hoạt động trên, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư vào cảng như: miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, đơn giản các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp… bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa đang tập trung vào 3 giải pháp chính để phát triển logistics. Đó là tăng cường cải cách hành chính, đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp logistics và trong tương lai Trường Đại học Hồng Đức thành lập khoa logistics; đồng thời, tăng cường liên kết vùng để thu hút hàng hóa xuất khẩu qua cảng Nghi Sơn bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng để đón hàng hóa từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Hòa Bình và nước bạn Lào quá cảnh hàng hóa qua Cảng quốc tế Nghi Sơn.

Cùng với đó, Thanh Hóa cũng tổ chức các hội nghị và mời các chuyên gia, hãng tàu lớn để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp logistics; đồng thời, thông qua các hội nghị, hội thảo và trực tiếp gặp gỡ để lắng nghe, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, xuất khẩu.

Tại khu vực cảng nước sâu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng phục vụ phát triển logistics; trong đó, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 51 bến và khu bến, bao gồm: 21 bến tổng hợp, 20 bến và khu bến chuyên dụng và 10 bến container. Tính đến tháng 11/2023, tỉnh đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện, Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm và có khả năng đón tàu có trọng tải đến 70.000 – 100.000 DWT.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và các hoạt động nhằm phát triển Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa đang khẩn trương đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các bến cảng container chuyên dụng, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa. Tỉnh cũng tập trung nạo vét luồng cảng đáp ứng luồng đủ tiêu chuẩn để các tàu có trọng tải từ 100.000 DWT ra vào cảng dễ dàng, cũng như đầu tư, nâng cấp nhiều công trình khác trong cụm cảng.

Ông Hoàng Tất Thành, Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa cho biết, cùng với sự phát triển của cảng biển cũng như các đơn vị tàu, mới đây, hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết 248 hỗ trợ cho các hãng tàu cũng như các đơn vị xuất nhập khẩu logistics, đã tạo sức hút lớn hơn đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn.

Ông Lê Ngọc Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật và Đầu tư Ngọc Long cho biết, là một doanh nghiệp logistics, bao tiêu, phân phối hạt nhựa cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hàng tháng công ty xuất khẩu từ 200-300 container đi các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Nam Mỹ. Khi xuất hàng qua cảng Nghi Sơn, chúng tôi đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Thanh Hóa, đồng thời chủ động được thời gian đóng hàng và giảm thiểu được các chi phí phát sinh khác.

Với những ưu đãi ưu đãi kể trên, Thanh Hóa đã có trên 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài hãng tàu quốc tế lớn như CMA-CGM đều đặn chở hàng qua với tần suất 1 chuyến/tuần, cảng biển Nghi Sơn cũng thu hút được hãng tàu quốc tế VIMC mở tuyến tàu container, đồng thời thu hút thành công một số doanh nghiệp Nghệ An đăng ký làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Nghi Sơn.

Năm 2022, vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 55,324 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó, qua cảng Nghi Sơn đạt 43,35 triệu tấn. 2 tháng đầu năm 2023, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 11,813 triệu tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ, trong đó, hàng hóa thông qua cảng biển đạt 6,5 triệu tấn, tăng 5,8%. Thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng nhưng vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn tỉnh tăng, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics và là động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa logistics của tỉnh phát triển thành ngành dịch vụ có trình độ khá của khu vực Trung, Bắc bộ và của cả nước. Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, từng bước hoàn thiện hạ tầng sau cảng và giao thông kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đến năm 2030, mở rộng và cơ bản hình thành Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong đó tập trung hoàn thiện các khu phát triển logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, hoàn thiện giao thông kết nối…

Bảo đảm có vị trí đầu mối giao thông thuận tiện, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế…; dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị. Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa và các dịch vụ bổ trợ khác…

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here