Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực: Các công ty đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?

0
363
(minh họa)

Việt Nam sẽ chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.

Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỉ đồng trong năm sau. Tuy nhiên việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Quý 3/2023, Samsung Electronics ghi nhận lợi nhuận hoạt động theo quý cao nhất trong 7 năm tại Việt Nam. Doanh số bán điện thoại thông minh cao cấp tăng mạnh và nhu cầu về sản phẩm màn hình ngày càng tăng đóng vai trò quan trọng vào doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, với việc  “dự luật thuế tối thiểu toàn cầu” được thông qua tại Việt Nam, gánh nặng thuế rất lớn dự kiến sẽ có tác động tiêu cực trong năm tới.

Mạng tin Financial New dẫn nguồn tin từ ngành điện tử ngày 14/12 cho biết 4 công ty con tại Việt Nam của Samsung Electronics đã ghi nhận doanh thu là 23,2144 nghìn tỷ Won (17,6 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động là 2,4929 nghìn tỷ Won (1,89 tỷ USD) trong quý 3.

Lợi nhuận hoạt động tính theo quý đạt mức cao nhất trong 7 năm kể từ năm 2017. Samsung Electronics hiện đang vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Samsung sản xuất tại Bắc Ninh (SEV); Tập đoàn Samsung sản xuất tại Thái Nguyên (SEVT); Tổ hợp thiết bị gia dụng TP. Hồ Chí Minh (SEHC) và Tập đoàn Samsung Display Việt Nam (SDV).

Kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 3/2023 là nhờ doanh thu tăng tại  Công ty Samsung sản xuất tại Thái Nguyên và Công ty Samsung sản xuất tại Bắc Ninh. Các điện thoại thông minh hàng đầu của Samsung Electronics, dòng Galaxy S23, Galaxy Z Fold và Flip 5 cho thấy mức tăng trưởng doanh số bán hàng vững chắc, theo đó cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng.

Thống kê cho biết, lợi nhuận hoạt động tổng hợp của các nhà máy tại Thái Nguyên đạt 900 triệu USD và Bắc Ninh đạt 540 triệu USD trong quý 3/2023. Tính tổng lợi nhuận của hai cơ sở này là 1,8993 nghìn tỷ Won (1,44 tỷ USD), chiếm 75% tổng lợi nhuận của Samsung Electronics. Hai nhà máy này chịu trách nhiệm sản xuất hơn một nửa sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu của Samsung Electronics. Samsung Electronics Thái Nguyên đã khẳng định mình là công ty lớn nhất tại Việt Nam.

Trong khi đó, lợi nhuận từ Tổ hợp thiết bị gia dụng TP. Hồ Chí Minh lại giảm trong cùng kỳ. Công ty con Samsung Display Việt Nam tiếp tục hoạt động ở mức tương tự như quý trước.

Tính đến hết quý 3/2023, doanh thu tích lũy và lợi nhuận hoạt động của hai công ty trên lần lượt khoảng 62,662 nghìn tỷ Won (47,5 tỷ USD) và 5,5538 nghìn tỷ Won (4,21 tỷ USD).
Cho dù kết quả hoạt động tính theo quý đạt mức cao nhất tại Việt Nam, triển vọng hoạt động của Samsung Electronics trong năm tới lại có chiều ảm đạm. Điều này là do Quốc hội Việt Nam đã thông qua với tỷ lệ áp đảo 94% việc “áp dụng hệ thống thuế tối thiểu toàn cầu” từ tháng 1/2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một hệ thống cấp quyền đánh thuế bổ sung cho các quốc gia khác khi một quốc gia cụ thể áp dụng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15% đối với thu nhập của một công ty đa quốc gia.

Để thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi về thuế, chẳng hạn như áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức 5% so với mức thuế doanh nghiệp chính thức quy định là 20%. Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, nếu áp dụng mức thuế tối thiểu, gánh nặng thuế của 122 công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhanh. Tại Hàn Quốc, Samsung Electronics và LG Electronics là những công ty thuộc đối tượng của sắc thuế này.

Các công ty đa quốc gia đều đã bày tỏ lo ngại về gánh nặng thuế ngày càng tăng. Nhiều công ty đã gửi văn bản yêu cầu Chính phủ Việt Nam có một phương thức khác để dù đắp lại các lợi ích về thuế mà chính phủ đã cam kết. Công ty Canon của Nhật Bản cũng cho biết: “Ưu đãi về thuế là yếu tố then chốt trong việc mở rộng sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam và nếu không giữ lời hứa, các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ xem xét chuyển nhà máy sang khu vực khác”.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here