Kỳ vọng về một định vị mới trong quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc

0
79
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10-01/11/2022). (Nguồn: TTXVN)

Theo Thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 – 13/12.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10-01/11/2022). (Nguồn: TTXVN)

“Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp hiện nay, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tạo thêm động lực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc…”, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, “hợp tác kinh tế – thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 139,2 tỷ USD (số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 185 tỷ USD). Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.

Về đầu tư, 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong), song dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 22,1%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như du lịch, văn hóa, giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam. Hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc đã triển khai cấp lại visa cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc…”.

Reuters mới đây, dẫn dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã bùng nổ trong năm nay, trái ngược với sự suy giảm trong đầu tư và thương mại của Mỹ, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia chiến lược Đông Nam Á này.

Thời gian qua, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả quan trọng.

Việt Nam – “một trung tâm sản xuất trải dọc Biển Đông”, ngày càng trở thành mắt xích lắp ráp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn thường phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc và người tiêu dùng Mỹ.

Tờ Reuters cũng bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12-13/12 với mục đích làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Không rõ hai nước sẽ đạt được đồng thuận về sự nâng cấp mang tính biểu tượng nào, nhưng về mặt kinh tế, cho đến nay, Trung Quốc dường như chiếm thế thượng phong trước Mỹ, một phần là do chính sách thương mại của Mỹ. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh và nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau do Mỹ dẫn đầu đối với Trung Quốc trong những năm gần đây đã thúc đẩy luồng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, trong tháng 11/2023, tính chung vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng lên 8,2 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, vốn đầu tư đăng ký của Mỹ vào Việt Nam giảm xuống còn 0,5 tỷ USD trong năm 2023 so với mức 0,7 tỷ USD vào năm 2022, khiến Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 10, đứng sau cả đảo Samoa và Hà Lan.

Thương mại song phương cũng giảm sút do người tiêu dùng Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong năm nay và không có thỏa thuận cắt giảm thuế quan nào trong chuyến thăm của ông Biden. Dữ liệu của Việt Nam cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ giảm 15%, xuống còn 79,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và nhập khẩu của Mỹ cũng giảm. Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên gần 50 tỷ USD, mặc dù nhập khẩu giảm do Việt Nam chủ yếu mua linh kiện từ Bắc Kinh để lắp ráp xuất khẩu sang các nước phương Tây.

Về thương mại, sau 15 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên đã gặt hái được nhiều thành quả hợp tác trên các lĩnh vực; trong đó, kinh tế thương mại được đánh giá là điểm sáng nổi bật trong bức tranh tổng thể này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Thống kê cho thấy, kể từ năm 2008 trở lại đây, kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần, từ mức 20 tỷ USD tăng lên gần 180 tỷ USD vào năm 2022. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 58 tỷ USD và nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc đạt gần 120 tỷ USD.

Đáng lưu ý, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Trong khi đó, năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Chính vì vậy, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân được kỳ vọng về một định vị mới trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng, phát triển và bền vững.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here