Năm 2024, các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng thế nào?

0
98
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trụ cột quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. (Nguồn: The Nation)

Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á, giới phân tích quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á sẽ cải thiện vào năm 2024, tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi sẽ có thể gây ra ảnh hưởng khác nhau lên các nước.

ASEAN được đặc biệt quan tâm và trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
ASEAN được đặc biệt quan tâm và trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. (Ảnh: TN)

Bài phân tích trên tờ Nikkei Asia mới đây,  nhận định các quốc gia theo định hướng thương mại “vẫn chưa thoát khỏi khó khăn” sau đợt suy thoái năm 2023. Mặc dù vậy, hầu hết các nhà phân tích và những dự báo chính thức đều cho rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á có thể cải thiện trong năm tới, nhưng điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn có thể dẫn đến mức tăng không đồng đều giữa các quốc gia.

Một nhà kinh tế chỉ ra rằng các quốc gia phụ thuộc vào thương mại “vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”, sau khi xuất khẩu chậm lại do nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đã kéo hoạt động của những nước này đi xuống trong năm nay.

Chính phủ Singapore dự báo mức tăng trưởng của nước này vào năm 2024 sẽ đạt từ 1% đến 3% , nhờ kỳ vọng vào nhu cầu điện tử toàn cầu sẽ phục hồi – một trong những lĩnh vực then chốt của Singapore. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào tháng 10/2023, đã đưa ra mức tăng trưởng của quốc đảo này vào năm 2024 là 2,1%.

Ông Gabriel Lim, Thư ký thường trực của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, cho biết: “Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ chậm lại hơn nữa do các điều kiện tài chính tiếp tục bị thắt chặt. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong cả năm 2024 do sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng nội địa”.

Nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến một năm tăng trưởng kém, phần lớn do chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và sự phục hồi mờ nhạt của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Những yếu tố này đè nặng lên các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua thương mại.

Số liệu GDP của Singapore trong quý III/2023 cho thấy xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) giảm 18,8% so với cùng kỳ năm, mặc dù số liệu tăng trưởng GDP cho thấy sự phục hồi từ mức 0,5% trong quý II/2023 lên 1,1%.

Thái Lan và Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm hơn trong quý III/2023 lần lượt là 1,5% và 4,9% do nhu cầu bên ngoài yếu. Cả hai con số đều thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu BMI thừa nhận đã đánh giá quá cao nền kinh tế Thái Lan trong năm nay và đang điều chỉnh giảm dự báo cả năm 2023 từ 2,8% xuống 2,5%. Họ kỳ vọng mức tăng trưởng của nước này sẽ đạt 3,8% vào năm 2024, đồng thời cho rằng sự kém hiệu quả của nền kinh tế có nghĩa là còn nhiều dư địa để bắt kịp tốc độ tăng trưởng.

Ba nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Malaysia, Philippines và Việt Nam đều ghi nhận các số liệu kinh tế trong quý III/2023 tốt hơn so với quý trước đó, lần lượt tăng 3,3%, 5,9% và 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng HSBC, trong một báo cáo tháng 11/2023, dự báo tăng trưởng chung của các nền kinh tế lớn thuộc nhóm “ASEAN 6” – gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – sẽ đạt mức 4,6% vào năm 2024, tăng từ mức 4% trong năm nay. Theo dự báo, triển vọng tăng trưởng này khác nhau ở mỗi quốc gia, từ 2,4% đối với Singapore đến 6,3% đối với Việt Nam.

Ông Yun Liu, chuyên gia kinh tế ASEAN tại HSBC, phân tích: “Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu – đặc biệt là Singapore, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan – không miễn nhiễm với các nguy cơ. Chúng tôi kỳ vọng chu kỳ thương mại toàn cầu sẽ chỉ phục hồi dần dần vào năm 2024. Điều đó cho thấy, khi chu kỳ thương mại chuyển hướng, các nền kinh tế khu vực có thể sẽ chứng kiến sự phục hồi khiêm tốn về thương mại”.

Ngoài sự sụt giảm xuất khẩu, ASEAN còn chứng kiến tỷ lệ lạm phát cao sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine vào năm 2022, gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Sự gia tăng dai dẳng về chi phí sinh hoạt được coi là mối lo ngại trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông đã xuất hiện và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chuyên gia Domini Velasquez, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng China Banking Corp ở Manila (Philipines), cho rằng: “Vào năm 2024, điều quan trọng là phải kiểm soát lạm phát, tiếp tục chi tiêu công và cuối cùng là hạ lãi suất chính sách khi thích hợp để giảm chi phí kinh doanh”.

Theo ông Robert Sierra, chuyên gia của Fitch Ratings, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, sẽ chứng kiến lạm phát giảm mạnh trong năm 2024, thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình. Ông nói: “Mặc dù điều này có thể sẽ bị cản trở bởi lực cản từ những nơi khác. Nếu giá tăng cao hơn… tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ thấp hơn và lạm phát cao hơn trong năm tới”.

Trong bản cập nhật tháng trước, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3, một cơ quan giám sát kinh tế khu vực, dự báo lạm phát ở Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (nhóm +3) dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,6% vào năm 2024, so với ước tính năm nay là 2,9%.

Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng sự trỗi dậy của giá lương thực và năng lượng toàn cầu trong những tháng gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về một đợt tăng giá hàng hóa khác, cùng với nguy cơ lạm phát cao hơn trở nên nổi bật hơn.

Trong bản cập nhật, AMRO chỉ rõ: “Triển vọng tăng trưởng của ASEAN+3 đầy rẫy những điều không chắc chắn. Một cú sốc năng lượng toàn cầu kết hợp với suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là một đòn giáng mạnh vào kinh tế khu vực”.

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đang kéo lùi sự tăng trưởng của ngành sản xuất toàn cầu. Không chỉ ngành sản xuất điện thoại thông minh, bán dẫn và hàng điện tử suy giảm, nhu cầu với các sản phẩm máy móc đồng thời yếu đi bởi đầu tư vốn ở mức thấp.

Theo phân tích và tính toán của Nikkei thực hiện với kết quả kinh doanh của khoảng 13.000 doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật và nhiều nền kinh tế khác trong giai đoạn quý III/2023, tổng thu nhập ròng của nhóm này ước tính khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Tổng lợi nhuận ròng của ngành sản xuất trong quý này giảm ước tính khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận quý giảm thứ 4 liên tiếp.

Tuy nhiên, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) 9/2023 ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Jokowi dự báo, tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2024 dự kiến cao nhất thế giới với 4,5%. ASEAN đã chứng tỏ mình là một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, trong khi 65% dân số khu vực có tiềm năng gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Các yếu tố trên là động lực lớn để đưa ASEAN trở thành “tâm điểm tăng trưởng” với “chiến lược phi thường” trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa được cải thiện.

Theo Báo cáo Đầu tư ASEAN năm 2022 do Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN đã tăng 42%, lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Báo cáo nhấn mạnh, sự phục hồi mạnh mẽ trên cho thấy khả năng ứng phó và sức hấp dẫn của ASEAN, với tư cách là điểm đến đầu tư lớn trên thế giới và là động lực tăng trưởng đầu tư nước ngoài.

Các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực thuận lợi hóa đầu tư với việc thông qua Khung thuận lợi hóa đầu tư ASEAN, phản ánh cam kết của ASEAN trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here