Giải pháp triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

0
64
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. (Nguồn: Tạp chí Thủy sản)

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TẠI KHÁNH HÒA

Khánh Hòa là một tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, có phần lãnh thổ trên đất liền nhô ra xa nhất về phía biển Đông. Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền, tỉnh Khánh Hòa còn có vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo ven bờ và huyện đảo Trường Sa. Với điều kiện tự nhiên phong phú, thổ nhưỡng phù hợp, Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng vô cùng lớn trong việc phát triển các sản phẩm nông sản. Một số sản phẩm nông sản, chủ lực, đặc trưng, có hiệu quả kinh tế cao của tỉnh như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, thủy sản nuôi,…Trong đó, thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Khánh Hòa, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho khoảng hơn 82.988 người chiếm gần 10% tổng lao động toàn tỉnh. Trong đó lao động trực tiếp trong ngành khai thác thuỷ sản khoảng 33.000 lao động; nuôi trồng thuỷ sản 28.372 lao động và dịch vụ, chế biến thuỷ sản là 21.616 người.

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1527/QĐ-BNN-TCTS ngày 27/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2219/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định trên tất các các lĩnh vực. Cụ thể:

1. Về phát triển nuôi trồng thủy sản

Khánh Hòa hiện có 04 vùng nuôi ao đìa chính là huyện Vạn Ninh, TX. Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm chân trắng, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua… với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Khánh Hoà hàng năm trên 4.000 ha. Tôm hùm và cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm…) là hai nhóm đối tượng nuôi lồng bè trên biển trọng điểm của tỉnh. Bên cạnh đó, hàu Thái Bình Dương, hải sâm, tu hài, ngao hai cồi, trai ngọc, rong biển…cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 18.000 tấn.

Ngoài ra, Khánh Hoà còn là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú và tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm… Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất đi các tỉnh miền Tây, các tỉnh phía Bắc. Tổng số lượng trại giống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2023 là 229 cơ sở, sản lượng sản xuất đạt gần 4 tỷ con giống. Trong đó số trại sản xuất giống chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú) là 58 trại; số trại cung cấp giống cho nuôi biển (nhuyễn thể, cá biển) là 139 trại giống.

Bên cạnh chú trọng công tác phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, triển khai xây dựng, chứng nhận quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP đối với một số đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, qua đó góp phân đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như tôm nước lợ, tôm thẻ chân trắng, ốc hương và tôm hùm. Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của Sở phối hợp với Viện kinh tế Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với sản phẩm tôm hùm trên địa bàn tỉnh.

2. Về khai thác thủy sản và quản lý hoạt động khai thác thủy sản

– Toàn tỉnh hiện có 3.190 tàu cá, trong đó: khai thác vùng khơi 660 tàu, vùng lộng 722 tàu, vùng ven bờ 1808 tàu. Sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm đạt 95.000 tấn. Trong đó, 11 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản khai thác được 95.652,7 tấn, tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.

– Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý hoạt động của các tàu cá thông qua các Văn phòng kiểm tra, kiểm soát đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả đáp ứng được việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; sản lượng lên bến của các tàu cá đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Hồ sơ xác nhận, chứng nhận đã được lưu trữ khoa học, có hệ thống đảm bảo việc truy xuất được nhanh chóng, chính xác khi có yêu cầu.

– Bên cạnh đó, Khánh Hòa đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá, và 70 tổ hợp tác tại các địa phương ven biển. Quy mô của tổ đội hợp tác thường từ 3 – 10 tàu nguồn kinh phí hoạt động do các tổ viên đóng góp. Việc phát triển theo mô hình tổ hợp tác bước đầu khắc phục việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phát huy sức mạnh tập thể, hỗ trợ lẫn nhau trên biển khi gặp thiên tai, sự cố; mặt khác, cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển, vận chuyển sản phẩm vào bờ nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả khai thác, đồng thời sự hiện diện của ngư dân tham gia mô mình tổ đội trên các vùng biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

– Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 06 Hợp tác xã (HTX) trong khai thác thủy sản. Các HTX trực tiếp khai thác thủy sản, hoạt động đánh bắt cá gần bờ theo nghề truyền thống lưới đăng và cung cấp sản phẩm cho các chủ nậu vựa tại Thành phố Nha Trang; Đã tổ chức và duy trì được 03 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19 và chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp nên hiện nay các mô hình trên gần như ngừng hoạt động.

3. Về đầu tư phát triển cảng và dịch vụ hậu cần nghề cá

Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 cảng cá và 01 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động và phục vụ các tàu cá khai thác xa bờ gồm: cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ, cảng cá Đá Bạc, cảng cá Vĩnh Lương, cảng cá Đại Lãnh, cảng cá Quảng Hội và khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (diện tích vùng nước neo đậu là 4,0 ha, đáp ứng cho 300 tàu vào neo đậu tránh trú bão). Ngoài ra, Khánh Hòa còn có các cảng cá, khu neo đậu trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa do Trung ương quản lý như: cảng cá đảo đá Tây, khu neo đậu Song Tử Tây… để phát triển đánh bắt xa bờ; Trong thời gian qua, các cảng cá đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng cảng cá nhằm tạo điều kiện cho phát triển nghề cá bền vững.

Để tạo điều kiện cho nghề cá phát triển bền vững, tỉnh Khánh Hòa rất quan tâm đến đầu tư xây dựng để phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá:

+ Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai 5 dự án đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, với tổng mức đầu tư là 296 tỷ đồng, trong đó: 03 dự án đầu tư từ ngân sách Trung ương kết hợp đối ứng ngân sách địa phương, gồm: Cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1); Cải tạo, nâng cấp cảng cá Hòn Rớ, Cải tạo, nâng cấp cảng cá Vĩnh Lương.

+ Trong giai đoạn 2021 – 2025, được sự quan tâm từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đầu tư dự án Khu neo đậu tránh trú bão Sông Tắc kết hợp cảng cá Hòn Rớ, quy mô đầu tư đảm bảo cho 1.500 tàu có công suất trên 500 CV vào neo đậu tránh trú và nâng cấp cảng cá Hòn Rớ đảm bảo 150 lượt/500 CV cập cảng, 15.000 tấn hàng hoá/năm, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương đầu tư Nâng cấp, mở rộng cảng cá Hòn Rớ với tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I.

– Về đầu tư Trung tâm nghề cá lớn: Dự án đầu tư Cảng cá Động lực thuộc trung tâm nghề cá lớn tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định số 3235/QĐ-UBND ngày 26/10/2016, tổng mức đầu tư là 171,483 tỷ đồng, ngoài nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, tỉnh đang kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa như xây dựng kho lạnh, chợ bán đấu giá, cơ sở sửa chữa tàu thuyền, ngư lưới cụ, nhà máy nước đá, trạm nhiên liệu; bên cạnh đó tỉnh Khánh Hòa cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác công tư (PPP), các chính sách thu hút đầu tư để áp dụng vào các Trung tâm nghề cá lớn, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

4. Về phát triển chế biến thủy sản

Trong thời gian quan, UBND tỉnh Khánh Hoà đã quan tâm, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp để đưa các nhà máy sản xuất chế biến thuỷ sản về tập trung sản xuất như khu công nghiệp Suối Dầu tại huyện Cam Lâm, Khu công nghiệp Đắc Lộc – Nha Trang…Toàn tỉnh Khánh Hòa có 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được bố trí tập trung ở Khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty Chế biến xuất khẩu Seafood F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Tín Thịnh… Các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Khánh Hòa có mặt trên 64 thị trường trên thế giới và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 738,6 triệu USD, chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đến tháng 10/2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 511,4 triệu USD hàng thủy sản, giảm 19,15%.

Ngoài ra, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã được các chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Kết quả, đến cuối năm 2022, có 13 sản phẩm của 07 chủ thể (04 doanh nghiệp, 03 hộ kinh doanh) được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng đạt từ 03 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có số điểm đạt 05 sao, 01 sản phẩm đạt 04 sao và 11 sản phẩm đạt 03 sao; Năm 2023, có 29 sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của 13 chủ thể (09 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã, 03 hộ kinh doanh) đăng ký tham gia chương trình OCOP đang được các địa phương đánh giá công nhận.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thuận lợi

– Đơn vị được sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Khánh Hòa; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

– Trong thời gian qua, tình hình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao hiệu quả khai thác; các khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá đã phát huy hiệu quả khi có thiên tai xảy ra như: ATNĐ, bão… giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền cho ngư dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.

– Thời gian qua, thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đã tạo những chuyển biến và góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành thủy sản theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cơ bản kết nối chuỗi giá trị sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, chế biến thủy sản cũng được quan tâm.

2. Khó khăn

– Nguồn nhân lực của ngành thủy sản từ tỉnh đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU, chế biến thủy sản; trách nhiệm, nhiệm vụ được giao ngày càng tăng trong khi đó năng lực chuyên môn, lực lượng còn thiếu, một số xã, phường trọng điểm chưa có cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản, bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế.

– Nguồn lực hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo phù hợp với quy mô quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

– Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan để phát huy các nguồn vốn, ứng dụng các tiến bộ KHCN và tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp các địa phương xây dựng các chuỗi giá trị tiêu thụ, chế biến sản phẩm thủy sản.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHẾ BIẾN THỦY SẢN TRONG THỜI GIAN TỚI.

Để nâng cao hiệu quả triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn có tiềm lực lớn để đầu tư, phát triển chế biến thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến thủy sản;

2. Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản

– Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng từ nguyên phụ liệu thủy sản; cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản truyền thống;

– Xây dựng các mô hình xử lý và bảo quản thủy sản sau thu hoạch cho các chủ tàu, ngư dân trực tiếp khai thác trên biển, chủ cơ sở thu mua nguyên liệu thủy sản nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản của địa phương, giảm tổn thất sau thu hoạch;

– Thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương.

3. Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến

– Tổ chức lại sản xuất, trong đó tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng yêu cầu về quản lý nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững (bao gồm tiêu chuẩn về môi trường, lao động…) nhằm gia tăng tính cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước của sản phẩm thủy sản chế biến;

– Gắn việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất với nâng cấp điều kiện sản xuất, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và nâng cao ý thức của người lao động; xây dựng các quy trình, chế độ giám sát và kiểm tra thường xuyên trong từng doanh nghiệp, cơ sở chế biến;

– Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản; sản xuất kinh doanh và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

– Áp dụng thực hiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản;

– Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO,…) trong các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế.

4. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản

– Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cảng cá để thu hút tàu cá trong và ngoài tỉnh tập kết, tiêu thụ thủy sản khai thác, đảm bảo năng lực tiếp nhận, giao thương được thuận tiện gắn với an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, kiểm soát truy xuất nguồn gốc.

– Xây dựng, hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, các Trung tâm nghề cá lớn của cả nước; Quy hoạch, hình thành, xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp liên kết ngành chế biến thủy sản;

– Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm chế biến thủy sản tập trung gắn với vùng nguyên liệu trọng điểm; sắp xếp lại các cơ sở chế biến thủy sản nội địa, chế biến nước mắm đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn về môi trường;

– Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, sản phẩm làm sẵn, ăn liền;

5. Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản

+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong việc đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu để hướng tới xuất khẩu thủy sản bền vững.

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông chủ động, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản của tỉnh đến các kênh phân phối lớn, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng trên thế giới;

+ Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm làm sẵn, ăn liền đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị (Co.opmart, Lotte mart, Bách Hóa Xanh, GO…) và người tiêu dùng;

+ Tổ chức hệ thống phân phối thủy sản tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung; xúc tiến xây dựng liên kết vùng, miền nhất là các địa phương vùng cao, miền núi có nhu cầu lớn về thực phẩm hải sản (hải sản chế biến, nước mắm,…);

6. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành chế biến thủy sản

– Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, khuyến công nhằm hình thành đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực hỗ trợ, tư vấn phát triển công nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh;

– Tăng cường tổ chức đào tạo cho đội ngũ quản lý sản xuất, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đáp ứng yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường cho đội ngũ quản lý và công nhân lao động trực tiếp tại cơ sở.

7. Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

– Tiếp tục hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải và xử lý hiệu quả các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản;

– Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi, môi trường, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đưa vào chế biến thủy sản. Trên đây là báo cáo tham luận Giải pháp triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

(Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here