Home Nghiên cứu - Nhận định Kinh tế Việt Nam Chuyên gia quốc tế đánh giá về việc Việt Nam đánh thuế...

Chuyên gia quốc tế đánh giá về việc Việt Nam đánh thuế tối thiểu toàn cầu 15% thế nào?

0
68
Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua việc tăng thuế doanh nghiệp lên mức 15% kể từ 1/1/2024. “Tăng thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia “khó có thể làm giảm sức hấp dẫn thu hút FDI của Việt Nam” – các chuyên gia của Tập đoàn tài chính đa quốc gia credendo (Bỉ) nhận định. 
Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024.
Credendo là tập đoàn bảo hiểm tín dụng có mặt trên khắp lục địa châu Âu, có trụ sở chính tại Brussels, Bỉ và hiện có mặt tại 15 quốc gia. Tập đoàn này hiện cung cấp các lựa chọn tùy chỉnh cho bảo hiểm, tái bảo hiểm, bảo lãnh, bảo lãnh và tài trợ liên quan đến các giao dịch thương mại trong nước và quốc tế hoặc đầu tư ở nước ngoài
Mới đây, trên trang mạng credendo.com, các nhà phân tích của tập đoàn tài chính này đã  đưa ra những phân tích cho rằng, quyết định trên phù hợp với thỏa thuận quốc tế về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và nhóm các nền kinh tế G20 đã đạt được vào cuối năm 2021.
Tất nhiên, quyết định này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến danh tiếng của Việt Nam với tư cách là nước có mức thuế thấp đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sức hấp dẫn FDI của Việt Nam.
Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã lên mức 20%, mức tương đối thấp hơn so với các nước trong khu vực; nhưng trên thực tế, mức thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia ở mức thấp hơn nhiều (thấp hơn nhiều so với mức 15%) nhờ nhiều ưu đãi giảm thuế. Các nước láng giềng cũng dự kiến sẽ tăng thuế suất vào năm 2024 để phù hợp với thỏa thuận thuế suất quốc tế.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng mức thuế tăng sẽ là nguồn thu mới, tương đương gần 1% tổng nguồn thu trong năm 2024. Những khoản thu thuế này dự kiến sẽ được chuyển vào quỹ hỗ trợ đầu tư mới được khởi tạo nhằm củng cố môi trường đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược và đền bù các khoản tiền cho các công ty và nhà đầu tư.
Nhìn chung, các công ty bị ảnh hưởng từ mức thuế suất mới chủ yếu là các công ty điện tử, xét đến sức hấp dẫn của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, và tập đoàn Samsung của Hàn Quốc có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất. Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ được những “tài sản” có giá trị.
Quả thực, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và xu hướng này dự kiến sẽ vẫn tiếp diễn. Trung Quốc và Mỹ vẫn căng thẳng về địa chính trị và châu Âu ngày càng mất niềm tin vào Bắc Kinh nên đây sẽ vẫn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra ở châu Á và chiến lược “Trung Quốc+1”. Việt Nam vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia nhờ sự ổn định chính trị, môi trường thân thiện với doanh nghiệp, lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao, chi phí lao động thấp và tình hình kinh tế khả quan.
Sau năm 2023 ảm đạm (dự báo tăng trưởng ở mức 4,7%) trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài giảm, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng 5,8% trong năm 2024 và 6,9% trong năm 2025 nhờ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích tài chính. Dù vậy, những rủi ro địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng sẽ là những rào cản lớn đe dọa triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Mức thuế này không áp dụng với các tổ chức của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao, tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao. Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương.
Trong khi đó, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi, nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và nghị quyết này. Tức là, với nhà đầu tư nước ngoài tới đây khi vào Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó họ phải nộp lại khoản ưu đãi giảm thuế này và có thể được hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.

Vấn đề chế độ thuế với các nhà đầu tư mới sẽ được Chính phủ tiếp tục giải quyết khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các đầu đãi thuế không còn hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here