Tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô

0
44
TTXVN
TTXVN

Sáng 7/12/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn việc khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đặt câu hỏi vì sao nguồn vốn vẫn chưa được khởi thông dù các chủ thể liên quan đã cố gắng, nhưng rõ ràng chưa đạt được mục tiêu. Vậy hạn chế bất cập này nằm ở đâu? Ai cần phải tháo gỡ? Tháo gỡ đến bao giờ mới có hiệu quả? Chúng ta phải cùng nhau bàn.

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, do đó chúng ta cần lắng nghe ý kiến của các chủ thể liên quan một cách tôn trọng, cầu thị; đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nêu các giải pháp khả thi, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ, vấn đề ngân hàng có liên quan đến doanh nghiệp, doanh nghiệp và ngân hàng có liên quan nền kinh tế đất nước. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Vậy làm thế nào nền kinh tế phát triển, hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng? Làm thế nào để ngân hàng và doanh nghiệp phát triển để hỗ trợ cho nền kinh tế? Doanh nghiệp là hệ sinh thái của ngân hàng, ngân hàng và doanh nghiệp là hệ sinh thái của nền kinh tế. Các hệ sinh thái không phát triển thì nền kinh tế không phát triển được.

Thủ tướng chỉ rõ, đặt vấn đề như vậy để chúng ta cùng có trách nhiệm, mỗi người đóng góp một ít thì mới phát triển được. Chúng ta có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế; phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phải thực hiện, phải làm được.

Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách phù hợp; phải thực hiện tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì mới đúng, mới phát triển được.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải bàn, lắng nghe ý kiến của nhau. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, thu lời thì lúc khó khăn phải chia sẻ với nhân dân. Các ngân hàng mà không có doanh nghiệp và nhân dân thì không thể có ngân hàng.

Thủ tướng nhắc lại bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Do đó, chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Nếu đóng barrier đối với tất cả mọi người như nhau thì khó, không phải trọng tâm trọng điểm; cần phải có cái chung cái riêng; có chính sách chung nhưng vẫn vận dụng linh hoạt để có chính sách riêng. Có doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không? Mỗi người phải đóng góp sáng kiến để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân chúng ta mới vượt qua khó khăn.

Chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn để đưa đất nước đi lên. Chúng ta nhìn nhận thế giới khó khăn chung, mỗi nước có cách làm phù hợp tình hình nước mình, không ai giống ai. Thế giới hiện nay đang phải giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách tiếp cận, giải quyết mang tính toàn cầu, toàn dân. Chúng ta vừa phải nghiên cứu cách làm của thế giới, nhưng vận dụng sáng tạo đối với tình hình đất nước chưa không máy móc, đây cũng chính là cách chúng ta đã từng thành công.

Thủ tướng bày tỏ, đất nước ta khi giành được độc lập từ năm 1945 đã phải đương đầu với các cuộc chiến tranh, đấu tranh giành độc lập dân tộc, rồi vượt qua bao vây, cấm vận để vươn lên phát triển như ngày nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đang rất thành công, đang chuyển thành nguồn lực, minh chứng rõ nét là đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn FDI rất cao, thể hiện thế giới tin tưởng Việt Nam. Tất cả các chính sách của chúng ta đều hỗ trợ nhau từ kinh tế đến chính trị, văn hoá, xã hội…

Hiện nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, cho nên mọi việc làm vừa phải thận trọng vừa chắc chắn, vừa theo truyền thống, vừa tiếp cận theo xu thế quốc tế, thực hiện theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có bước đi có lộ trình phù hợp tiến tới thị trường đầy đủ chứ không thể dùng công cụ hành chính mãi.

* Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về công tác tín dụng và triển khai thực hiện Thông tư 02, Văn bản số 6248/NHNN-TD ngày 9/8/2023 giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 02; đồng thời, kịp thời tiếp nhận và xử lý trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề…

Kết quả: Sau 7 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến ngày 31/10/2023), tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Số dư nợ được cơ cấu nợ tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc về quy định tại Thông tư 02.

Theo ý kiến phản hồi của dư luận xã hội cho thấy việc ban hành Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, TTCP và NHNN.

Về tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, ngày 24/4/2023, NHNN đã có Văn bản số 2931/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định; xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Trong năm 2023, NHNN cũng đã tổ chức 2 Hội nghị tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, việc triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng; từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Sau 2 Hội nghị, trên cơ sở nghiên cứu ý kiến, đề xuất của các đại biểu, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN về quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của TCTD, chỉ đạo các TCTD về công tác cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ cho khách hàng trong lĩnh vực bất động sản.

Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị tháng 11/2023, NHNN đang xem xét, nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư: Triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ, NHNN đã ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để bảo đảm triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.

Sau khi ban hành văn bản số 2308, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN và 3 văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các TCTD tích cực triển khai; văn bản số 6937/NHNN-TD ngày 5/9/2023 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD, chi nhánh NHNN trên địa bàn trong tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đều đã có các văn bản chỉ đạo các NHTM trên địa bàn quán triệt, chủ động bố trí nguồn vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Chương trình; đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng các địa phương phối hợp để rà soát danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn tỉnh.

Về phía các NHTM tham gia chương trình cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai thống nhất trên toàn hệ thống. Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong đã đăng ký tham.gia chương trình với số tiền đăng ký là 5.000 tỷ đồng. Kết quả: Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.

Đối với kết quả tín dụng và tín dụng ngành, lĩnh vực kinh tế, NHNN cho biết, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%); tín dụng theo ngành kinh tế (đến cuối tháng 10/2023): Dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918,6 nghìn tỷ đồng (tăng 3,17%, chiếm 7,17%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỷ đồng (tăng 7,31%, chiếm 25,94%), ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỷ đồng (tăng 7,9%, chiếm 66,88%);

Tín dụng lĩnh vực ưu tiên (đến cuối tháng 10/2023); tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,45%, tăng 8,51% so với cuối năm 2022; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,78%, tăng 20,09% so với cuối năm 2022: tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 18,44% so với cuối năm 2022. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so cuối năm 2022, chiếm 21,04% dư nợ nền kinh tế.

(Thanh Giang/Báo Nhân dân)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here