BRICS++ đang trỗi dậy mạnh mẽ và rộng lớn hơn

0
331
(Nguồn: RIA Novosti)

Có thể thấy rằng mối quan hệ giữa các thành viên BRICS đang trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Một BRICS mới hồi sinh đã ngày càng lớn mạnh.

Tại hội nghị BRICS 2023, khối này đã đồng ý kết nạp sáu thành viên mới. (Nguồn: RIA Novosti)

Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Australia  đăng bài viết của Giáo sư Kristen Hopewell phân tích về Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil).

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, tầm quan trọng của khối BRICS đang ngày một thăng lên, khẳng định vai trò của các nước Nam Toàn cầu trong cơ cấu địa chính trị-kinh tế thế giới.

Do những lợi ích xung đột và sự ngờ vực lẫn nhau, những người hoài nghi từ lâu đã đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của BRICS. Liệu khối này có thể biến sức mạnh kinh tế của từng thành viên trở thành sức mạnh tập thể trên trường quốc tế?  Nhiều người tin rằng BRICS đơn thuần là một hình ảnh tượng trưng và sẽ dần trở nên không còn phù hợp khi tốc độ tăng trưởng của toàn khối chậm lại.

Tuy nhiên, thay vào đó, những gì đã xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy BRICS đang trỗi dậy. Sự thành công của hội nghị BRICS 2023 và triển vọng mở rộng đáng kể số thành viên của khối này là minh chứng rõ nét nhất cho sự trỗi dậy đó.

Khái niệm BRIC bắt nguồn từ một cụm từ viết tắt trong bản báo cáo kinh tế của Goldman Sachs năm 2001 dự đoán rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của năm nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil sẽ làm tăng đáng kể vai trò của các nước này trên trường quốc tế. Các ngoại trưởng BRIC bắt đầu họp vào năm 2006 và đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đầu tiên vào năm 2009. Sau đó, với sự gia nhập của Nam Phi vào năm 2010, BRIC đã mở rộng thành BRICS.

Năm 2001, tỷ trọng kinh tế của các thành viên BRIC trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 8%. Đến nay, tỷ trọng kinh tế của khối này đã tăng thành 26%, trong khi tỷ trọng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) giảm từ 65% xuống 43%. Theo thời gian, một liên kết bắt đầu như một hiện tượng kinh tế đã phát triển thành một khối chính trị cạnh tranh với G7.

Nhưng BRICS là một khối không đồng nhất. Nhiều người đã đặt câu hỏi về việc Nga tự xếp mình vào nhóm các cường quốc “đang trỗi dậy” có đúng hay không. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Brazil và Nam Phi không có vũ khí hạt nhân. Mặc dù Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), nhưng hai nước này phản đối đề xuất của các nước BRICS khác về việc ứng cử ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc vượt trội hơn so với các thành viên BRICS khác –  quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn bốn nền kinh tế cộng lại. Đặc biệt, sự chênh lệch này đã tăng vọt trong hai thập kỷ qua: Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng GDP của BRICS là 47% vào năm 2001, cho đến nay con số này là 70 %.

Trong khi nhiều nước BRICS được hưởng lợi từ sự bùng nổ thương mại với Trung Quốc, các quốc gia này cũng lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc, cũng như tác động của hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đối với các lĩnh vực sản xuất của họ.

Mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc lớn nhất trong nhóm – Ấn Độ và Trung Quốc – từ lâu đã tồn tại một số mâu thuẫn cả về chính trị và kinh tế. Trong 20 năm qua, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc ngày càng lớn, trở thành một nguyên nhân gây căng thẳng. Hơn nữa, hai nước có dân số lớn nhất thế giới thường coi nhau là đối thủ cạnh tranh quyền lãnh đạo các nước Nam Toàn cầu.

Bất chấp vô số nguồn gốc gây căng thẳng và chia rẽ giữa các thành viên BRICS, điều cơ bản gắn kết khối này là một chương trình nghị sự chính trị nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ hoặc phương Tây đối với trật tự quốc tế và cạnh tranh tiếng nói với G7. Mỗi thành viên G7 đều đang tìm kiếm địa vị, uy tín và ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế, đồng thời mong muốn xây dựng các đồng minh sẽ củng cố vị thế của họ so với các cường quốc đã có.

Nhưng khả năng tạo ra sự đối trọng về quyền lực kinh tế của BRICS không được đánh giá cao. Những người ủng hộ BRICS đã quảng bá về việc GDP của khối này đã vượt qua GDP của G7 dựa trên đánh giá về Sức mua tương đương (PPP) vào năm 2020. Mặc dù, PPP là một công cụ hữu ích để so sánh mức sống giữa các quốc gia, nhưng nó không phải là thước đo cho sức mạnh kinh tế.

Điều quan trọng đối với quyền lực nhà nước là sức mạnh kinh tế tổng hợp – nói cách khác là đó là GDP thực tế chứ không phải GDP được đo bằng PPP. Theo thước đo này, sức mạnh kinh tế của G7 vẫn lớn hơn 65% so với BRICS. Hơn nữa, sự tăng trưởng của BRICS chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc, nhưng những dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới đang suy yếu do tốc độ tăng trưởng của nước này đã chậm lại đáng kể trong hai quý gần nhất.

Điều này không có nghĩa là BRICS “nhỏ bé”. Ngược lại, tầm quan trọng của BRICS với tư cách là một lực lượng lớn trên trường toàn cầu gần đây đã được chứng minh sau cuộc xung đột ở Ukraine. Nhờ BRICS, thương mại của Nga đã tăng vọt, cho phép nước này giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Trung Quốc hiện là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga và lượng nhập khẩu dầu khí từ Nga của nước này đã tăng gấp đôi. Ấn Độ tiếp tục mua dầu và vũ khí từ Nga. Trong hai năm qua, quy mô nhập khẩu hàng hóa từ Nga của Ấn Độ đã tăng hơn 400%. Tương tự, Brazil là nước mua phân bón lớn nhất của Nga – một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này sau năng lượng – và thương mại của Brazil với Nga cũng đã tăng hơn gấp đôi…

Có thể thấy rằng mối quan hệ giữa các thành viên BRICS đang trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Một BRICS mới hồi sinh đã ngày càng lớn mạnh. Vào năm 2024, hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ được tổ chức ở Kazan (thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, Nga). Trong hội nghị này danh sách các ứng viên mới dành cho vị trí thành viên của BRICS sẽ được công bố, với con số đơn xin gia nhập lên tới 40 quốc gia. Tại hội nghị BRICS 2023, khối này đã đồng ý kết nạp sáu thành viên mới –Saudi Arabia, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) – kể từ năm 2024.

Nguyễn Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here