Dư luận về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024

0
64
(minh họa)

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, sẽ bắt đầu được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành chính sách thuế này nhằm đảm bảo quyền thu thuế chính đáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc diện chịu thuế.

Chiều 20/11, bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thường gọi là thuế tối thiểu toàn cầu).

Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành chính sách thuế này nhằm đảm bảo quyền thu thuế chính đáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam (các doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro/năm, tương đương 800 triệu USD/năm).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho biết, theo Tờ trình 618 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đây là một sáng kiến của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và được các nước G20 thông qua, đặc biệt đã nhận được sự đồng thuận của 142 nước thành viên của Dự án Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện, nhưng đây là một xu thế.

Việc thực hiện Nghị quyết sớm cũng sẽ giúp Việt Nam thu được tới 14.600 tỷ đồng tiền thuế, bổ sung được 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy vậy, song song với việc ban hành Nghị quyết này cũng cần nhìn trước các rủi ro để có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết. Ông Lộc lưu ý: “Dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới và đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc này sẽ tác động rất lớn, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) cho rằng, các doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế hoàn toàn có thể khởi kiện để tiếp tục hưởng các ưu đãi theo luật Đầu tư hiện hành.

Theo quy định về bảo đảm đầu tư tại Luật Đầu tư hiện hành thì trường hợp nhà nước có chính sách ưu đãi thấp hơn, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi trong thời gian còn lại của dự án. Điều này có nghĩa, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có khả năng doanh nghiệp khởi kiện để áp dụng quy định đảm bảo đầu tư.

Nghị quyết cần quy định chi tiết theo hướng giảm khả năng khiếu kiện của doanh nghiệp chịu thuế; đồng thời xác định nguyên tắc giải quyết khi khiếu kiện xảy ra, đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) cũng tỏ ý băn khoăn rằng trong trường hợp phát sinh tranh chấp, việc giải quyết sẽ theo quy định nào và tổ chức, cơ quan nào xử lý. Trường hợp có khả năng tranh chấp, nhà đầu tư có thể chọn đóng thuế chỗ khác, khiến Việt Nam có thể mất nguồn thu này. Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần có cơ chế xử lý để tránh xung đột với quy định của Luật Đầu tư và đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu soạn thảo ban hành hướng dẫn chi tiết về nghị định này để nhà đầu tư không phải chờ đợi lâu.

Trình bày báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc ban hành nghị quyết này là để xác định quyền đánh thuế và mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới. Khi hội nhập toàn diện, các quy định của quốc tế phải được thực hiện, đòi hỏi Việt Nam phải luôn chủ động sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại các công ty xuyên quốc gia có thể nộp thuế tại nước ngoài thay vì chấp nhận nộp thuế ở Việt Nam, ông Phớc khẳng định: Nếu họ trả thuế ở nước mẹ, quy trình rà soát thuế tại Việt Nam và các nước cũng rất phức tạp, thậm chí mất thêm chi phí. Chính vì vậy, chắc chắn các các công ty xuyên quốc gia muốn nộp thuế tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn và có thể ngành thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục, khâu trung gian nhằm giúp họ thuận lợi kinh doanh.

Về khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để “chuẩn bị tinh thần”, tránh việc khiếu kiện. Bộ trưởng Tài chính cho rằng “việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng”.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here