Nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm thị trường Việt Nam, đặc biệt các địa phương có khả năng kết nối, giao thông thuận tiện

0
78
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng năm 2023. (Nguồn: Cổng tin tức thành phố Hải Phòng)

Việt Nam không chỉ là một người bạn, mà còn là một đối tác tin cậy, một điểm đến đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp Ấn Độ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng năm 2023. (Nguồn: Cổng tin tức thành phố Hải Phòng)

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng năm 2023 do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức, chiều 17/11, Sở Công Thương Hải Phòng, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương và Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến “Cơ hội kinh doanh và kết nối Hải Phòng với Ấn Độ”.

Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Công Hân; Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương Đỗ Quốc Hưng; Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng; Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Hà Nội Indronil Senguta và các doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ.

Tham dự trực tuyến có Giám đốc Diễn đàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ Ravi Sinha, Trưởng ban quan hệ quốc tế-Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ Rekha Sharma và khoảng 100 doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp tại Hải Phòng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Công Hân cho rằng, việc Hiệp định thương mại tự do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Ấn Độ chính thức đi vào thực thi năm 2010 đã giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ nói chung và Hải Phòng-Ấn Độ có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa Hải Phòng và Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa thành phố Hải Phòng và Ấn Độ đạt 202,51 triệu USD, giảm 3,72% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 0,04% thị phần xuất nhập khẩu toàn thành phố và chiếm 1,34% thị phần xuất nhập khẩu của toàn quốc sang thị trường Ấn Độ.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt 160,86 triệu USD, tăng 6,26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,59 triệu USD, giảm 1,25 % so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 103,27 triệu USD, tăng 11,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: máy móc, thiết bị linh kiện điện tử chiếm 23%; chốt cửa dùng trong ô tô chiếm 19%; máy móc, thiết bị cơ khí chiếm 16%; đồng và các sản phẩm bằng đồng chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ chiếm 18%; các loại hạt, hạt giống chiếm 16%; sản phẩm làm bằng đá tự nhiên chiếm 16%; mực đông lạnh chiếm 9%; ngũ cốc chiếm 8% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ.

Với lợi thế về cảng biển, các ngành công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép, thủy sản… của thành phố Hải Phòng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường Ấn Độ. Sở Công Thương thành phố Hải Phòng kỳ vọng Chương trình Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng và Ấn Độ là cơ hội để thúc đẩy kết nối giao thương giữa hai bên, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố Hải Phòng và Ấn Độ.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương Đỗ Quốc Hưng cho rằng, hội nghị là hoạt động có ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam – Ấn Độ còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác. Hải Phòng – một trong những địa phương năng động nhất Việt Nam – cần thúc đẩy và mở rộng hơn nữa thương mại với Ấn Độ.

Trong những năm qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – Ấn Độ, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên đoàn các phòng thương mại và công nhiệp Ấn Độ (FICCI), Liên đoàn xuất khẩu Ấn Độ (FIEO)… luôn là các đối tác có uy tín và hỗ trợ Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất ở Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các tỉnh và thành phố đóng góp cho ngân sách của đất nước. Về mặt xuất nhập khẩu, Hải Phòng là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất ở phía Bắc, có quan hệ giao dịch với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến cuối tháng 9, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 140% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Vụ trưởng Đỗ Quốc Hưng kêu gọi các doanh nhân và nhà đầu tư từ Ấn Độ đến, đầu tư và kinh doanh tại Hải Phòng nói riêng, cũng như ở Việt Nam nói chung. Ông khẳng định, Việt Nam không chỉ là một người bạn, mà còn là một đối tác tin cậy, một điểm đến đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp Ấn Độ.

Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam-Ấn Độ tại Hà Nội Indronil Senguta đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam là quốc gia tận dụng tốt nhất xu hướng đa dạng hóa chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới. Một làn sóng các nhà đầu tư Ấn Độ đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố có khả năng kết nối, giao thông thuận tiện như Hải Phòng, với ý nghĩa như cửa ngõ của Việt Nam ở khu vực phía Bắc.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cũng thể hiện sự quan tâm đến các mặt hàng cụ thể của mỗi bên, đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ hỗ trợ làm cầu nối kết nối giữa hai bên.

Hải An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here