Chiến lược Thái Lan 4.0 thúc đẩy kinh tế số đang như thế nào?

0
88
(Nguồn: Illustrative Image/EECO)

Chiến lược Thái Lan 4.0 được nước này chính thức “trình làng” từ năm 2016 – Chiến lược này định vị Thái Lan là trung tâm kỹ thuật số dựa trên tri thức và đổi mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Làn sóng số hóa đã làm biến đổi nhiều lĩnh vực dịch vụ ở Thái Lan. (Nguồn: Illustrative Image/EECO)

Làn sóng số hóa đã làm biến đổi nhiều lĩnh vực dịch vụ ở Thái Lan, với những tiến bộ đáng chú ý nhất được ghi nhận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Đầu tư nước ngoài vào các dịch vụ số đã tăng mạnh, đặc biệt là trong thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế điện tử và giáo dục trực tuyến.

Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự phủ sóng Internet và điện thoại di động ngày càng tăng, cùng sự cải thiện của hệ thống kho vận (logistics) và thanh toán điện tử. Dự kiến trong 5-10 năm tới, kinh tế số sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế Thái Lan.

Từ năm 2016, Thái Lan đã giới thiệu Chiến lược Thái Lan 4.0, nhằm chuyển đổi đất nước sang trạng thái phát triển thông qua chuyển đổi công nghiệp trong 10 lĩnh vực chính, bao gồm các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Chiến lược này cũng định vị Thái Lan là trung tâm kỹ thuật số dựa trên tri thức và đổi mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tương tự các ngành công nghiệp truyền thống như ô tô, điện tử, hóa dầu và công nghiệp nặng, Thái Lan đã ưu tiên chuyển đổi kỹ thuật số ở Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), nơi thu hút 60% tổng vốn FDI vào năm 2021.

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã triển khai một loạt dự án nhằm thúc đẩy, tăng cường nền kinh tế số và chuyển đổi số trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Đầu tiên, trong hệ sinh thái thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại đã thành lập Thaitrade.com vào năm 2011. Thaitrade.com đóng vai trò là thị trường điện tử B2B kết nối hơn 25.000 doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với các nhà nhập khẩu quốc tế.

Thứ hai, để củng cố cơ sở hạ tầng số, Thái Lan đã khởi xướng xây dựng Công viên số Thái Lan trong EEC vào cuối năm 2021. Quan hệ đối tác công tư này nhằm mục đích thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, tăng cường kết nối số. Thái Lan kỳ vọng Công viên này trở thành một trung tâm đổi mới số của ASEAN bằng cách thu hút các ngành công nghệ cao và kỹ thuật số.

Thứ ba, để tạo thuận lợi cho thương mại, bao gồm cả hàng hóa được kích hoạt kỹ thuật số và giao hàng kỹ thuật số cũng như hàng hóa và dịch vụ truyền thống, Thái Lan đã triển khai giai đoạn thí điểm của Nền tảng thương mại kỹ thuật số quốc gia (NDTP) vào tháng 9/2022.

Được liên kết với các cơ sở của Thái Lan như Cơ chế một cửa quốc gia và sẽ được tích hợp với các nền tảng kỹ thuật số tương tự ở các quốc gia khác, NDTP đóng vai trò là điểm tập trung để liên lạc và phân phối tài liệu điện tử giữa các đối tác thương mại.

Mới đây nhất, nền tảng du lịch số quốc gia với tên gọi ThailandCONNEX được Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) thuộc Bộ Kinh tế và Xã hội số phát triển ra mắt từ tháng 2/2023. Nền tảng này giúp kết nối nhanh chóng các doanh nghiệp du lịch trên khắp Thái Lan trong việc áp dụng công nghệ và sáng tạo số để cải thiện sức cạnh tranh, tăng hiệu quả, giảm chi phí hoạt động và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

Sau 8 tháng vận hành chính thức, tổng cộng 108.659 doanh nghiệp – bao gồm các nhà cung cấp lưu trú, nhà hàng, dịch vụ cho thuê phương tiện – đã tham gia nền tảng ThailandCONNEX và cung cấp 201.764 sản phẩm liên quan đến du lịch và dịch vụ, góp phần mang lại giá trị kinh tế hơn 12 tỷ baht (338 triệu USD).

Điều này đóng góp đáng kể vào sự phục hồi của ngành du lịch Thái Lan và sự tiến bộ của đất nước hướng tới nền kinh tế và xã hội số. Theo báo cáo của DEPA, kinh tế số của Thái Lan đã tăng trưởng 14%, đạt giá trị thị trường 2.600 tỷ baht vào năm 2022.

Trong khi đó, báo cáo Triển vọng Số Thái Lan 2022 cho biết về giao dịch thương mại điện tử, 50% số vụ giao dịch trong năm qua là giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), tiếp theo là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở mức 27% và giữa doanh nghiệp với chính phủ (B2G) ở mức 23%. 1/3 giao dịch thương mại điện tử B2B là trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ, trong khi lĩnh vực sản xuất và bán lẻ, bán buôn lần lượt chiếm 16% và 15%.

Tiến sỹ Kasititorn Pooparadai, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao tại DEPA, nhấn mạnh sự tăng trưởng bền vững trong nhiều lĩnh vực công nghiệp được thúc đẩy bởi những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tiến bộ công nghệ.

Một cuộc khảo sát của DEPA trên 5 lĩnh vực chính – phần mềm, phần cứng và thiết bị thông minh, dịch vụ kỹ thuật số, nội dung kỹ thuật số và truyền thông – cho thấy lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số dẫn đầu với mức tăng đáng chú ý là 21%.

Sự tăng trưởng của FinTech (công nghệ tài chính), Health Tech (công nghệ sức khỏe) và bán lẻ đã góp phần tạo nên giá trị thị trường tổng hợp gần 300 tỷ baht. Không xa phía sau, ngành phần mềm và dịch vụ phần mềm đã tăng trưởng 19%, đạt giá trị thị trường gần 200 tỷ baht. Lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 270 tỷ baht từ năm 2023 đến năm 2025.

Dữ liệu của DEPA nhấn mạnh sự thay đổi toàn diện theo hướng số hóa hoàn toàn trong nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan và các lĩnh vực liên quan.

Ông Thanavath Phonvichai, Chủ tịch trường đại học University of the Thai Chamber of Commerce, đánh giá thương mại số của Thái Lan vẫn có tiềm năng phát triển lớn nếu chính phủ có chính sách rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy lĩnh vực này.

Theo ông Thanavath, giá trị hàng hóa và dịch vụ mua bán qua các nền tảng số trong năm 2023 sẽ đạt 1.485 baht/người/tháng, với số người mua trực tuyến là 50,2 triệu lượt người. Tổng giá trị mua hàng trực tuyến trong năm ước tính đạt 895 tỷ baht, tăng 17,9% so với mức 759 tỷ baht của năm trước.

Ông Thanavath cho biết: “Sau khi chính phủ mới được thành lập, chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của ngành nếu có chính sách thúc đẩy kinh tế số”.

Đỗ Sinh 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here