Hiện tại, xu hướng tiêu dùng xanh đang định hình ngày càng rõ hơn tại Việt Nam, với nhiều người dân chủ động tìm kiếm sản phẩm xanh từ nhà sản xuất kinh doanh xanh.
Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ… trên thị trường quốc tế cũng đang tìm kiếm sản phẩm của Việt Nam đáp ứng được làn sóng “xanh” và xu hướng mới của người tiêu dùng toàn cầu, nhất là đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tại tọa đàm “Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh” diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đang dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh, là người tiên phong định vị và là “cánh chim” đầu đàn trong làn sóng “xanh”.
Trong đó, doanh nghiệp có thể khởi đầu ngay từ chính trong nội bộ của mình và truyền tải những câu chuyện chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa sản xuất kinh doanh đến cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, cùng chuỗi cung ứng và người tiêu dùng.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng bao bì tái chế, để góp phần cộng hưởng vào thông điệp khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, ở khâu chọn lựa nhà cung cấp hay chuỗi cung ứng bao bì tái chế theo tiêu chí đáp ứng xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng vẫn đang là bài toán không đơn giản của nhiều doanh nghiệp do phải cân đối các chi phí so với rủi ro về tuổi thọ của một nhãn hàng ra mắt thị trường.
Ông Nguyễn Huy, Tổng Giám Đốc ngành hàng đảm bảo kinh doanh tại Việt Nam và Cambodia thuộc Tập đoàn Intertek cho biết, ở ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm khai báo và đảm bảo các nội dung khai báo trên sản phẩm.
Khác với những chứng nhận trước đây, hiện nay trên từng sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu tái chế phải đảm bảo tỷ lệ tái chế và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ từ nhãn sản phẩm gắn liền với bao bì sản phẩm nên doanh nghiệp phải nói thật, làm thật và cung cấp thông tin truy xuất được nguồn gốc.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, tương lai, để doanh nghiệp có mô hình sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và có thể làm việc với bất cứ khách hàng nào về môi trường và trách nhiệm xã hội thì vai trò của tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội trong tuyên truyền quy định pháp luật cho doanh nghiệp là rất cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và các bên thì phải chủ động tham gia nền kinh tế tuần hoàn và sản xuất kinh doanh xanh, cũng như xem đây là điều cần làm chứ không còn là khuyến khích.
Gia Thành