Chuyên gia “mách nước” giải pháp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nền kinh tế Thái Lan

0
65
Ảnh minh họa. (Nguồn: Jing daily)

Tiến sỹ Somkiat Tangkitvanich, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), để nỗ lực chống biến đổi đạt hiệu quả cao, Thái Lan cần phải có thêm nhiều hành động thiết thực, ngoài việc trồng thêm cây và bán tín chỉ carbon.

Thái Lan là một trong những quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong bài phân tích trên tờ  Bangkok Post, Tiến sỹ Tangkitvanich cho rằng biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng lớn nhất của nhân loại. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, nhằm bảo vệ nền kinh tế của chúng ta, đó là chúng ta phải chuyển đổi sang một nền kinh tế và xã hội có hàm lượng carbon thấp.

Vào năm 2023, Trái Đất đã chứng kiến nền nhiệt độ cao kỷ lục, các đại dương ấm lên, băng ở Bắc Cực tan nhanh, những đợt nắng nóng tàn khốc xuất hiện ở nhiều quốc gia, kênh đào Panama khô cằn và những vụ cháy rừng kinh hoàng nhất diễn ra tại Hawaii, cùng những thảm họa môi trường toàn cầu khác.

Thái Lan là một trong những quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong hai thập kỷ vừa qua, nước này đã trải qua 146 hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại hơn 7,7 tỷ USD. Quốc gia Đông Nam Á xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu.

Đến năm 2050, dự báo thủ đô Bangkok và đồng bằng miền Trung Thái Lan sẽ đối mặt với nguy cơ chìm trong nước do hiện tượng mực nước biển dâng cao. Những gì đang và sẽ diễn ra đang vẽ lên một bức tranh rất rõ ràng: Các đợt nắng nóng, nước biển dâng, cháy rừng, bão dữ dội, lũ quét và hạn hán kéo dài sẽ trở nên phổ biến hơn và nguy hiểm hơn. Cách duy nhất để nhân loại có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng khí hậu là giảm thiểu lượng khí thải carbon và thực hiện các điều chỉnh cơ cấu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự sống còn của nhân loại phụ thuộc vào nỗ lực toàn cầu. Mọi quốc gia đều cần phải tham gia. Thái Lan không thể là một ngoại lệ, mặc dù tỷ lệ phát thải toàn cầu của nước này chỉ là 1%. Quá trình chuyển đổi hướng tới việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn về kinh tế và xã hội của Thái Lan.

Khi thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng đòi hỏi các hoạt động ít phát thải carbon, Thái Lan – một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu – phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc làm thế nào giảm lượng khí phát thải.

Đầu tiên, cần nhớ rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng đã nhất trí theo đuổi các nỗ lực hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mục tiêu đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 của Thái Lan hiện tụt hậu so với nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Việt Nam và Lào. Điều này có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho khả năng cạnh tranh của nước này trong xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nếu tốc độ chuyển đổi xanh toàn cầu tăng nhanh.

Ngoài ra, giá carbon sẽ sớm được Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với hàng hóa sử dụng nhiều carbon. Các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Canada và Australia, có thể áp dụng mức giá tương tự trong tương lai gần.

Các cơ quan quản lý quốc tế, như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cũng đang thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính.

Quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, đang cố gắng duy trì hình ảnh thân thiện với môi trường và sự hấp dẫn với người tiêu dùng. Nhiều ngành công nghiệp đã thực thi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sử dụng năng lượng và lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng của họ. Nếu các công ty Thái Lan không tuân thủ, xuất khẩu và đầu tư sẽ đi nơi khác.

Tương tự như vậy, các nhà hoạt động trong nước và quốc tế, người tiêu dùng có ý thức và lực lượng lao động trẻ đang gây áp lực buộc các công ty phải áp dụng các hoạt động thân thiện với môi trường. Việc không thực hiện các chính sách carbon thấp sẽ khiến các doanh nghiệp Thái Lan và lực lượng lao động không được chuẩn bị tốt cho nhu cầu ngày càng tăng, khiến Thái Lan bị tụt lại phía sau trong nền kinh tế toàn cầu.

Do đó, chính phủ Thái Lan nên nhận ra rằng lợi ích lâu dài của các biện pháp giảm lượng carbon có thể lớn hơn chi phí ban đầu. Sử dụng năng lượng, nước hiệu quả giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Không khí sạch hơn giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và cứu sống con người, giảm thiểu các ca tử vong hàng năm tăng cao liên tục do mắc bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí và bụi mịn PM2.5.

Giảm thiểu hiệu quả lượng khí thải carbon sẽ nâng cao danh tiếng của Thái Lan như một quốc gia xanh, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn và củng cố nền kinh tế. Nhưng làm thế nào Thái Lan có thể đạt được mục tiêu phát thải carbon thấp và cứu nền kinh tế?

Hiện tại, chính phủ Thái Lan đang thiếu một chiến lược chuyển đổi toàn diện. Các cuộc tranh luận về chính sách chủ yếu tập trung vào các hành động từng phần, chẳng hạn như trồng cây và bán tín chỉ carbon.

Để trở thành một nền kinh tế ít carbon, chính phủ phải cải cách ngành điện, ngành tạo ra 42% lượng khí thải carbon của đất nước và cải tổ hệ thống giao thông, vốn tạo ra thêm 22% lượng khí nhà kính. Cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng, hỗ trợ các doanh nghiệp phát thải ít carbon, trợ cấp phát triển công nghệ phát thải carbon thấp và thực thi các quy định về năng lượng sạch, đặc biệt lĩnh vực xây dựng xanh cũng rất cần thiết.

Điều quan trọng nữa là chính phủ nên thực hiện định giá carbon để buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm tài chính về lượng khí thải nhà kính mà họ tạo ra, từ đó đem lại động lực giảm lượng khí thải carbon.

Định giá carbon tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon với chi phí thấp. Nó cũng khuyến khích đổi mới xanh và tăng doanh thu nhà nước. Cơ chế định giá carbon bao gồm thuế carbon và giới hạn phát thải. Điều này cho phép các doanh nghiệp bán hạn ngạch vượt quá nếu lượng khí thải của họ giảm xuống dưới mức trần.

Thuế carbon sẽ hoạt động tốt hơn ở Thái Lan nhờ các cơ chế thu thuế tiêu thụ đặc biệt hiện có và tính khả dụng của chúng. Thuế này nên được áp dụng cho các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đại lý xăng dầu và hàng hóa nhập khẩu cụ thể sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng.

Nếu chính phủ áp dụng thuế carbon chỉ bắt đầu từ 175 baht (khoảng 5 USD) cho mỗi tấn carbon, giá xăng sẽ tăng 1,1%, dầu diesel tăng 1,4% và điện tăng 1,8%. Thái Lan có thể giảm lượng khí thải 1,2 triệu tấn, tương đương 0,4% và tạo ra hơn 30 tỷ baht (khoảng 850 triệu USD) doanh thu thuế bổ sung hàng năm.

Nguồn thu từ thuế nên được sử dụng để thành lập quỹ hỗ trợ giảm phát thải và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương thích ứng với khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, định giá carbon không phải là thuốc chữa bách bệnh. Trên hết, chính phủ phải ngừng trợ giá dầu diesel.

Khoản trợ cấp này gây căng thẳng cho sức khỏe cộng đồng, cản trở việc giảm phát thải trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và tạo gánh nặng cho Quỹ Dầu mỏ, khiến Thái Lan thiệt hại 7,4 tỷ baht (210 triệu USD) và con số này đang tiếp tục tăng lên.

Một giải pháp cần thiết nữa là cải cách năng lượng thông qua tự do hóa thị trường, hệ thống giao thông công cộng ít carbon, thực hành tiết kiệm năng lượng và các chính sách giảm thiểu carbon có hệ thống khác.

Hơn nữa, thị trường tín chỉ carbon phải được thúc đẩy để cho phép cộng đồng địa phương bán tín chỉ carbon và hưởng lợi từ những nỗ lực bảo tồn rừng của họ. Những bài học quý giá từ các dự án tín dụng carbon do Quỹ Mae Fah Luang phát triển, giúp giảm đáng kể các vụ cháy rừng thông qua bảo tồn rừng và doanh thu tín dụng carbon, đã chứng minh những lợi ích tiềm năng.

Việc giảm lượng carbon trên quy mô lớn trong các ngành công nghiệp Thái Lan không phải là điều xa vời, được minh họa bằng dự án “Hộp cát Saraburi”, một nỗ lực hợp tác có sự tham gia của ngành xi măng, các cơ quan chính phủ và các chuyên gia ở tỉnh Saraburi. Cam kết của họ nhằm đạt được lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đưa ra một mô hình cho các khu vực có lượng carbon thấp quy mô lớn có thể được áp dụng.

Để trở thành nền kinh tế ít thải carbon, Thái Lan phải thiết lập các mục tiêu phát triển mới nhằm tạo ra nền kinh tế xanh với việc làm xanh lương cao. Điều này liên quan đến việc giới thiệu các công cụ chính sách như thuế carbon để buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm và thị trường tín dụng carbon từ dưới lên để hỗ trợ và mở rộng các bể chứa carbon.

Điều quan trọng là cần có ý chí chính trị mạnh mẽ để cải cách và tự do hóa ngành điện, tận dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và thiết lập các tiêu chuẩn phát thải carbon thấp cho một số sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng.

Khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết, việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon trên một hành tinh ngày càng bị “hun đốt” không phải là một lựa chọn. Đó là điều cần thiết cho sự sống còn của Thái Lan./.

Huy Tiến

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here