Hà Nội đứng hàng đầu về thu hút FDI, 10 tháng đạt hơn 2,6 tỷ USD

0
149

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong 10 tháng năm 2023, TP Hà Nội thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn FDI. Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, Hà Nội ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD.

Trong 10 tháng năm 2023, TP Hà Nội thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn FDI.

Trong đó, có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD, 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD, 273 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 544,3 triệu USD và 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD. Hà Nội hiện xếp thứ 3 trên cả nước về thu hút FDI trong 10 tháng. Dự kiến 2 tháng còn lại của năm 2023, thành phố ước thu hút FDI đạt khoảng 484,8 triệu USD. 

Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ… Dự án tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục…

Những yếu tố giúp Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, TP về thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế – xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ DN, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng DN.

Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Việc thu hút các dự án FDI có sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Quỹ đất sạch, nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho thu hút đầu tư mới, mở rộng nhà máy rất hạn chế. Thông tin pháp lý quan trọng để nhà đầu tư xác định kế hoạch và hiệu quả đầu tư dự án còn thiếu. Giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp của Hà Nội cao hơn so với các địa phương lân cận (gấp khoảng 1,5-2 lần) khiến chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư lớn, không tạo được lợi thế cạnh tranh…

Hà Nội chưa thu hút được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Quy mô vốn đầu tư/dự án có xu hướng giảm xuống. Mức vốn thực hiện chỉ chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 2 tháng còn lại năm 2023 và kế hoạch năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ, công khai kịp thời thông tin về quy hoạch địa điểm đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.

Đây là thông tin chỉ đạo tại cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội về tình hình xúc tiến đầu tư, thu hút và quản lý vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng, diễn ra ngày 14/11.

Cùng với việc đổi mới, hiện đại hoá quản lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư.  Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, cần sớm báo cáo để tháo gỡ, từ đó tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút các nhà đầu tư. 

Các khu công nghiệp cũng cần rà soát, chỉnh trang cơ sở hạ tầng để trở lên hấp dẫn hơn, kêu gọi thu hút đầu tư; đồng thời, thực hiện xúc tiến đầu tư, nhất là việc tổ chức các sự kiện phải tiến hành tiết kiệm, trang trọng và đảm bảo hiệu quả thiết thực. 

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. Cùng đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xúc tiến đầu tư, phối hợp chặt chẽ với trung tâm để cung cấp thông tin, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song đó, bám sát chỉ đạo của trung ương, thành phố tổ chức xúc tiến đầu tư tại chỗ và nước ngoài để đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội.   

Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Dự kiến, năm 2024, thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD.

Năm 2025, thành phố phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Nguyễn Thắng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here