Phát triển khí LNG: Khó nhất là cơ chế

0
50
Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Xây hạ tầng kho cảng LNG không khó

PV Gas cho hay, sau khi giai đoạn I – Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đi vào vận hành với công suất 1 triệu tấn/năm, việc triển khai giai đoạn II nhằm nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm đã được doanh nghiệp này sẵn sàng triển khai.

Không chỉ dừng lại với Kho cảng LNG Thị Vải, PV Gas cũng triển khai các công việc phục vụ cho đầu tư xây dựng Kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận, với công suất dự kiến khi hoàn thành giai đoạn I là 3,6 triệu tấn LNG/năm và lên đến 10 triệu tấn LNG/năm cho cả 2 giai đoạn.

Ngoài ra, PV Gas cũng có kế hoạch đầu tư tiếp các kết cấu hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các trung tâm nhiệt điện khí vệ tinh” tại miền Bắc, nhằm phủ sóng việc cung cấp LNG trên toàn quốc.

Các LNG Hub sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ) đến các hộ tiêu thụ/trung tâm điện lực.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, Phó tổng giám đốc PV Gas, để làm kho cảng LNG, điều quan trọng nhất là phải có cảng nước sâu (ít nhất 15 m) và phải gần các hộ tiêu thụ điện.

Việc đặt kho LNG tại Thị Vải, ngoài tận dụng được hạ tầng sẵn có làm kho LPG trước đây, còn do nơi này rất gần các nhà máy điện khí hiện có tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Nhơn Trạch hay Long An sau này. Khi khí tự nhiên trong nước giảm, thì việc bổ sung khí LNG nhập khẩu để phục vụ phát điện là chuyện tất yếu và vẫn đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải.

Tương tự, Kho LNG Sơn Mỹ được nhắm tới phục vụ cho các nhà máy điện khí LNG tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, cũng như các nhà máy điện trong bán kính 200 km.

Còn ở miền Bắc, PV Gas đang tìm kiếm địa điểm tại khu vực Thanh Hoá – Nghệ Tĩnh và Hải Phòng – Thái Bình để đặt LNG Hub, nhằm cấp khí LNG cho các nhà máy điện khí LNG ở các khu vực lân cận hiện nằm trong quy hoạch điện.

Động thái trên cũng cho thấy, không có vướng mắc nào lớn trong quá trình đầu tư, triển khai xây dựng các kho cảng LNG của PV Gas.

Khó cơ chế

Theo ông Huỳnh Quang Hải, các dự án phát triển mỏ khí trong nước đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên rất rõ ràng về giá khí đầu ra. Tuy nhiên, với LNG nhập khẩu thì lại không như vậy.

Trên thực tế, khách hàng tiêu thụ khí LNG hiện nay trông chờ vào các nhà máy điện, thậm chí chiếm tỷ trọng tới 90-95%. Nhưng trong tương lai, khi các hộ tiêu thụ khác nhiều lên, thì tỷ lệ này sẽ thay đổi.

Chính vì vậy, nếu không có cơ chế rõ ràng trong việc bán khí LNG cho các nhà máy điện, mà chủ yếu là xác định cơ chế giá điện của nhà máy điện khí LNG, thì việc kinh doanh LNG sẽ đầy thách thức.

“Việc nguồn cung khí trong nước giảm sút là rõ ràng, nên PV Gas tin rằng, chỉ có khí LNG nhập khẩu mới giúp phát huy được các nhà máy điện khí hiện có và đang chuẩn bị được xây dựng theo như Quy hoạch Điện VIII đề ra, nhằm đảm bảo nguồn điện nền cho hệ thống”, đại diện PV Gas cho hay.

Các lãnh đạo của PV Gas cũng cho biết, các cơ chế chính sách liên quan đến LNG cần phải có là cơ chế bao tiêu, chuyển ngang (pass through) sang giá điện, các quy định liên quan đến giá khí, cước phí… Hiện tại, các cơ chế này chưa rõ ràng về thẩm quyền phê duyệt và cách thức xác định, nên gây khó khăn cho việc xác định giá phát điện đầu ra, cũng như đàm phán các thỏa thuận thương mại giữa các khâu.

Thừa nhận hiện chưa có khung giá điện cho các dự án điện khí LNG, một lãnh đạo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, Cục đang chờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và đệ trình để xem xét, thẩm định.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4 dùng khí LNG, nên các thông số để xây dựng khung giá mua điện từ khí LNG cũng có những hạn chế nhất định.

Cũng do chưa có khung giá điện cho dự án điện khí LNG mà việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa nhà máy điện khí LNG đầu tiên là Nhơn Trạch 3&4 với Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN chưa thể đi đến hồi kết, dù đã trải qua hơn 2 năm.

Một chuyên gia đàm phán cho hay, cả sản lượng điện hàng năm (Qc) và giá điện đều rất quan trọng trong PPA, bởi nếu cam kết Qc thấp thì dù giá cao cũng không đủ doanh thu mong đợi, nhưng nếu cam kết Qc cao thì có thể xảy ra tình huống là dù huy động không nhiều, nhưng bên mua điện vẫn phải trả tiền vì đã ký PPA.

Việc lựa chọn chào giá để bán điện trên thị trường cạnh tranh cũng không được các doanh nghiệp sản xuất điện khí LNG mặn mà, bởi không xác định được rõ ràng là sẽ huy động phát bao nhiêu điện để tính ra dòng tiền thu về, nhằm thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra.

Dĩ nhiên, khi điện khí LNG mông lung đầu ra, thì nguồn cung LNG cũng gặp trở ngại trong việc xác định lượng LNG nhập khẩu dài hạn.

(Thanh Hương/baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here