“Vận đen” bủa vây
Chỉ một thời gian rất ngắn, sau khi Hoa Kỳ cáo buộc và khởi kiện dây cáp nhôm hoàn thiện tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc, thuộc phạm vi hoặc lẩn tránh lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này lại tiếp tục khởi kiện vụ mới với các sản phẩm nhôm Việt Nam.
Cụ thể, ngày 24/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ 15 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Dẫn số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, nguyên đơn của vụ việc cho biết, năm 2022, Việt Nam chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên của Hoa Kỳ, đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ.
Việt Nam có 14 công ty bị cáo buộc bán phá giá, biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 41,84% (biên độ phá giá cáo buộc cho 15 nước/vùng lãnh thổ là từ 25,89% đến 376,85%).
Trước vụ việc không mấy vui với ngành nhôm xuất khẩu, ông Vũ Văn Phụ, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam nhận định: “Hoa Kỳ khởi kiện phòng vệ thương mại với sản phẩm nhôm đùn ép và sau đùn ép, phạm vi rất rộng, ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp nhôm trong nước, bởi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành”.
Thực tế, khi Hoa Kỳ chưa khởi kiện 2 vụ việc trên, ngành nhôm đã “lĩnh đủ”, bởi hàng nhập khẩu Trung Quốc đổ bộ với giá thấp, khiến doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh. Vì lý do này, tháng 9/2019, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá từ 2,85% đến 35,58%, thời hạn 5 năm, với nhôm thanh định hình xuất xứ Trung Quốc.
Bộ Công thương đang rà soát thuế chống bán chống phá giá với các sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, đợt rà soát thuế lần này rất quan trọng với ngành. Khoảng thời gian áp thuế nhôm nhập khẩu đã giúp ngành nhôm hồi phục sản xuất, giữ được thị trường nội địa. Tới đây, quyết định áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc hết hiệu lực, doanh nghiệp nhôm sẽ khó cạnh trạnh với hàng hóa nhập khẩu ngay tại nội địa.
Bên cạnh khó khăn đến từ bên ngoài, ngành nhôm còn khó khăn bởi năng lực dư thừa.
Với khoảng 100 nhà máy, năng lực sản xuất nhôm của Việt Nam đạt trên 1,2 triệu tấn/năm. Do công suất của ngành nhôm bắt đầu dư thừa, vài năm qua, sản lượng chỉ đạt 70% công suất thiết kế, lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Quý I/2023, các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 30 – 40% công suất, chủ yếu duy trì việc làm cho người lao động. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang bán phá giá, gây nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào ngành nhôm những năm gần đây khá rõ nét. Gần đây, một doanh nghiệp sản xuất nhôm lớn Top 10 của Trung Quốc đã tìm hiểu môi trường đầu tư và muốn xây dựng một nhà máy nhôm hơn 3.200 tỷ đồng tại Hải Dương.
Theo các doanh nghiệp, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để tận dụng xuất xứ, né thuế phòng vệ thương mại từ các nước.
Phải chấp nhận xu hướng bảo hộ
Việc các quốc gia liên tục điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại khiến doanh nghiệp ngành nhôm trong nước khó giữ thị trường xuất khẩu. Ông Phụ cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia nhập khẩu gia tăng, nên ngành nhôm phải chấp nhận thực tế này.
Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm để đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một vài thị trường.
“Năng lực trong nước dư thừa, các doanh nghiệp được khuyến cáo không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về phòng vệ thương mại là rất lớn”, ông Phụ nói.
Lúc này, ngành nhôm mong các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, tránh kêu gọi đầu tư vào các ngành đã dư thừa công suất.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng Công ty Luật ID Việt Nam đánh giá: “Nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với phòng vệ thương mại là do lượng hàng hóa xuất khẩu tăng đột biến, tạo ra áp lực cạnh tranh với hàng nội địa do chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp, hoặc do mặt hàng cùng loại của Trung Quốc đang bị áp thuế”.
Trong các vụ việc phòng vệ, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ, sổ sách giấy tờ và kiến thức pháp luật, phối hợp tốt trong công tác thông tin với quốc gia khởi kiện.
Để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến cáo, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu để gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, chuyển từ cạnh tranh về giá sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm.
(Thế Hải/baodautu)