10 tháng đầu năm 2023, số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới tăng nhẹ.
Đáng chú ý, nhập khẩu tháng 10 tại Trung Quốc tăng mạnh. Đây là tín hiệu sáng cho các nước ASEAN, đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đạt 34.320 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 4.710 tỷ USD, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ riêng trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.540 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 487 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính theo đồng Nhân dân tệ, nhập khẩu tháng 10 tăng đến 6,4%. Tính theo đồng USD, nhập khẩu tăng 3%. Đây là tín hiệu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng, nhất là cuối năm – cơ hội lớn cho các nền kinh tế xuất siêu mạnh ở ASEAN như Việt Nam.
ASEAN vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, với kim ngạch 10 tháng tăng 0,9%, lên đến 5.230 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 720 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.
Với Việt Nam, trong 10 tháng qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%. Đặc biệt, sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc thêm mối quan hệ và việc Trung Quốc mở cửa thêm nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đã tăng đột biến.
Trong đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất trong 3 quý của năm 2023, đạt giá trị 2,75 tỷ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước. Ước 10 tháng đã vượt 3,2 tỷ USD.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh nhờ tín hiệu tích cực về mở cửa thị trường của Trung Quốc, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 với sầu riêng, chanh leo… là động lực thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng mạnh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan… nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc tăng cường hoạt động thương mại với Việt Nam qua các cửa khẩu. Cùng với nhu cầu tiêu dùng của thị trường này tiếp tục gia tăng trong mùa cuối năm, những yếu tố này sẽ có tác động tích cực trong hoạt động xuất khẩu.
Mai Hương