Xu hướng thương mại khiến kinh tế toàn cầu phân mảnh

0
94
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Xu hướng ‘friend-shoring’ (chuyển sản xuất sang nước bằng hữu) đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh do các nỗi lo về an ninh và kinh tế, song cũng tiềm ẩn nguy cơ làm sâu sắc sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu.

Đại dịch Covid-19, xung đột thương mại Mỹ – Trung và xung đột Nga – Ukraine đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng cũng như tính dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu, từ đó thúc đẩy nhiều nước chuyển hướng sang giao thương với các nước đáng tin cậy cũng như các đồng minh chính trị và kinh tế nhằm giảm bớt rủi ro. Chiến lược này được gọi là “friend-shoring”.

“Friend-shoring” là gì?

Về cơ bản, “friend-shoring” là việc định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, nhằm tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, các chính phủ sẽ khuyến khích doanh nghiệp của mình cơ cấu chuỗi cung ứng và chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi các quốc gia được coi là “đối thủ địa chính trị” sang các đồng minh chính trị và kinh tế. “Friend-shoring” được coi là một phiên bản ít cực đoan hơn của “reshoring”, thuật ngữ chỉ việc đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài về trong nước.

Tháng 4/2022, lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề cập khái niệm “friend-shoring” như một chiến lược chính thức của Mỹ tại Hội đồng Đại Tây Dương. Hiện nay, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương cũng đang thúc đẩy việc sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu tại các quốc gia thân thiện với các giá trị chung để tăng cường an ninh cho sản xuất nội địa. Xu hướng này thể hiện rõ nhất trong các ngành chất bán dẫn và đất hiếm.

Gã khổng lồ công nghệ Apple của Mỹ đã triển khai xu hướng “friend-shoring” khi dịch chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Reuters dẫn một phân tích gần đây của JP Morgan cho biết hiện chỉ có 5% sản phẩm của Apple được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, nhưng nó có thể tăng lên 25% vào năm 2025. Trong khi đó, một số công ty lớn khác như Hasbro hay Foxconn đã chuyển hướng khỏi Trung Quốc và mở rộng cơ sở sản xuất tại nơi khác.

Theo nghiên cứu của Tập đoàn Allianz, Mexico, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Brazil và Malaysia có thể là những điểm đến tốt đối với xu hướng “friend-shoring” của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Các chuyên gia kinh tế và chính trị đánh giá, việc đa dạng hóa sự tập trung về mặt địa lý của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc bên ngoài như chiến tranh, nạn đói, biến động chính trị hoặc đại dịch nếu có xảy ra. Về cơ bản, “friend-shoring” sẽ ngăn chặn sự gián đoạn nền kinh tế của một quốc gia bằng cách ngăn cản các quốc gia khác tận dụng lợi thế thị trường của họ. Song lựa chọn đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguy cơ từ xu hướng “friend-shoring”

Xu hướng “friend-shoring” làm dấy lên lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ phân mảnh địa chính trị và việc mất cân bằng hơn nữa của nền kinh tế toàn cầu khi các quốc gia, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế ít phụ thuộc vào nhau hơn.

Theo Bloomberg, việc gắn kết giữa các quốc gia bằng hữu có thể dẫn đến một thế giới nơi mà chuỗi cung ứng có thể mạnh mẽ hơn nhưng lại là một thế giới nghèo hơn và kém hiệu quả hơn. Còn theo The Economist, “friend-shoring” cũng tương tự như “nearshoring” (đưa hoạt động kinh doanh về gần nước nhà) đều nhằm tăng cường an ninh thương mại, nhưng cái giá phải trả ở đây là hoạt động sản xuất có thể sẽ kém hiệu quả hơn khi nơi sản xuất hàng hóa được quyết định bởi yếu tố chính trị thay vì lợi nhuận.

Ngày 5.10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2023 sẽ vào khoảng 0,8%, giảm mạnh so với dự báo hồi tháng 4 là 1,7%. Trong khi đó Bloomberg cảnh báo rằng xu hướng “friend-shoring” sẽ dẫn đến “một hành tinh nghèo hơn và kém năng suất hơn đáng kể, với thương mại trở lại mức trước khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá sự phân mảnh thương mại kéo dài có thể dẫn đến việc giảm tới 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong khi mức dự báo của WTO là giảm khoảng 5%.

Bên cạnh đó, xu hướng “friend-shoring” có thể dẫn đến tình trạng “chia phe” giữa một bên là phương Tây và bên còn lại liên kết với Nga và Trung Quốc. Chiến lược “friend-shoring” được cho là cách để Mỹ và phương Tây ngăn Trung Quốc và Nga lợi dụng lợi thế thị trường về một số nguyên liệu nhất định như đất hiếm, sản phẩm năng lượng, thực phẩm, phân bón, hay nhân lực nhằm tác động tới kinh tế Mỹ.

Theo báo cáo của Tập đoàn Allianz, kể từ năm 2018, Trung Quốc đã bắt đầu mất thị phần trong hàng nhập khẩu của Mỹ khi hai nước bắt đầu cuộc chiến thương mại. Xu hướng “friend-shoring” hiện nay càng tác động mạnh đối với nền kinh tế Trung Quốc và khiến cho nước này không còn là đối tác hàng đầu của Mỹ nữa. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, Mexico đã vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, qua đó cho thấy sự thân thiện và tình bằng hữu đang là xu hướng định hình lại cách các quốc gia đối xử với nhau.

(Nguyên Long/thanhnien)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here