Chuyên gia: Việt Nam tăng trưởng đều đặn về chất lượng đầu tư

0
138

Các cam kết rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ánh niềm tin của nhà nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam.

Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư “Trung Quốc +1”. (Nguồn: Vneconomy)

Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến 20/10/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 7 điểm phần trăm so với 9 tháng.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, trong đó số dự án đầu tư mới không ngừng tăng cao.

Cụ thể, có 2.608 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,1% so với cùng kỳ 2022, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 54%. GVMCP tuy giảm về lượng giao dịch, nhưng tổng giá trị hơn 5,13 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu. Bên cạnh lòng tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của đất nước, Việt Nam dường như còn được hưởng lợi từ chiến lược đầu tư “Trung Quốc +1”.

Ông Rich D.McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu (TBI) tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Việt Nam tăng trưởng đều đặn về chất lượng đầu tư, nhưng với tình trạng xung đột và đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cần cải tiến để giữ được động lực, lợi thế.

Qua khảo sát, TBI nhận thấy, nhiều nhà đầu tư chia sẻ khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng đầu vào và dịch vụ chất lượng cao trong nước. Nhà đầu tư nhấn mạnh việc họ phải cần đến những công ty từ các quốc gia lân cận để hỗ trợ hoạt động vận hành; vấn đề nguồn cung năng lượng không ổn định và yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư đối với năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện; kết cấu hạ tầng giao thông và truyền thông còn thua kém nhiều nước trong khu vực; ưu đãi thuế không đủ cho lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang thiếu động lực để khuyến khích chuyển giao công nghệ và kỹ năng thông qua các sáng kiến FDI từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; không có đủ nhân lực cần thiết trong nước cho việc hỗ trợ và phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao…

Để cải thiện những khó khăn nêu trên và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham nhấn mạnh, Việt Nam cần điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh.

“Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp công nghệ cao”, ông David Whitehead nhấn mạnh.

Theo WB, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao) sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam John Rockhold thì cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

“Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp”, ông John Rockhold nói.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here