Trong tháng 10/2023, Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp mới 5 dự án đầu từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 594,35 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, địa phương này thu hút được 20 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 5 dự án so với cùng kỳ năm 2022 với tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần, tương đương tăng hơn 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022).
Ngoài ra, có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 503 triệu USD, tăng 15,3%, tương đương tăng 66,9 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 10/2023, có 5 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đăng ký hơn 594 triệu USD, có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 62,5 triệu USD.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 457 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31.433 triệu USD; trong đó, trong khu công nghiệp là 284 dự án với tổng vốn đầu tư 13.738 triệu USD; ngoài khu công nghiệp 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17.695 triệu USD.
Những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan đánh giá lại dư địa trong các khu, cụm công nghiệp, đất thương phẩm để thu hút nhà đầu tư mới cả trong và ngoài nước; hệ thống lại nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư tại tỉnh để kịp thời hỗ trợ, cùng đó, xem xét dự án tồn đọng, cần tháo gỡ để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ triển khai dự án ưu tiên về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nguồn điện, hóa dầu, khí…; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Tổ hỗ trợ dự án đầu tư của tỉnh cần nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư đến địa phương, Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế…
Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư dựa trên 4 trụ cột kinh tế, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực trọng tâm như: phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn.
Đồng thời, tỉnh cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các dự án triển khai hiệu quả.
Trần Liễu