Kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế số và hàm ý chính sách cho Việt Nam (phần cuối)

0
166
Dự kiến kinh tế số Việt Nam đạt 30 tỷ USD năm 2023 và có thể đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. (Nguồn: VnEconomy)

4.6. Trung Quốc hình thành không gian lực kéo phát triển kinh tế số

Để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện liên tục các chính sách chiến lược nền kinh tế số của Trung Quốc, làm cho nền kinh tế số mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn, Trung Quốc định hướng triển khai các mô hình liên kết và mô hình lực kéo[1] để tận dụng, phát huy tốt nhất các đặc trưng và lợi thế công nghiệp của từng khu vực, từng vùng miền.

Xét về tổng thể nền kinh tế số, mô hình lực kéo của Trung Quốc đã hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các thành phố hạng I như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thẩm Quyến.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số ở Bắc Kinh là nguồn cung cấp nguồn lực đổi mới và đầu tàu của công nghiệp ICT của Trung Quốc. Phát triển nền kinh tế số ở thành phố này có những lợi thế nổi bật và có tác động mạnh mẽ đối với các thành phố hạng hai và hạng ba khác. Đây là thành phố có khả năng dẫn dắt nền kinh tế số mạnh nhất Trung Quốc và có vị trí hạt nhân trên bản đồ lực kéo nền kinh tế số.

Thượng Hải được định vị để trở thành thủ đô số quốc tế và là trung tâm của dòng chảy nhân tài số ở Trung Quốc với dòng nhân tài số, tiếp tục dẫn đầu trong xây dựng cơ sở hạ tầng số. Trong những năm gần đây, Thượng Hải càng đẩy nhanh việc thúc đẩy nâng cấp số trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, tài chính, đổi mới khoa học và công nghệ, vận tải và nông nghiệp, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số tại các thành phố hạng hai và hạng ba.

Thẩm Quyến được định vị để trở thành thành phố tiên phong của nền kinh tế số toàn cầu và tích cực triển khai cơ sở hạ tầng số. Đây là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc triển khai mạng 5G. Đây là trung tâm tiêu thụ, phân phối và thiết kế các sản phẩm bán dẫn trong nước, được xếp vào hàng tiên tiến của thế giới nhờ việc xây dựng trung tâm đổi mới công nghệ bán dẫn thế hệ thứ ba của Trung Quốc ở Thẩm Quyến, tác động lan tỏa và dẫn dắt thúc đẩy phát triển nền kinh tế số Trung Quốc nhờ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số như Huawei, Tencent, ZTE.

Về công nghiệp ICT, mô hình lực kéo không gian đô thị của Trung Quốc có thể được tóm gọn là mô hình “nhất lõi, tam cực và đa cường”. Trong đó, Bắc Kinh là trung tâm dẫn dắt công nghiệp ICT (nhất lõi) và Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hàng Châu (tam cực) là các cực tăng trưởng đã tương đối rõ nét.

Về số hóa theo ngành, lĩnh vực, mô hình lực kéo không gian đô thị của Trung Quốc có thể được tóm tắt là mô hình “nhị siêu, bát cực và đa cường”. Trong đó hai trung tâm (nhị siêu) của chuyển đổi số các ngành công nghiệp là Bắc Kinh và Thượng Hải; và Phúc Châu, Đại Liên, Quảng Châu, Trùng Khánh, Tây An, Thẩm Quyến, Nam Kinh, Tô Châu là 08 cực tăng trưởng có tác động thúc đẩy mạnh mẽ đến các thành phố khác của Trung Quốc (đa cường).

4.7. Trung Quốc nỗ lực phát triển và quản lý hướng tới nền kinh tế số lành mạnh, bền vững

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an toàn, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu, phù hợp với các nỗ lực quản lý dữ liệu của Trung Quốc kể từ năm 2021. Để quản lý lĩnh vực năng động nhưng còn non trẻ, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, giải quyết các vấn đề như lạm dụng dữ liệu và hành vi độc quyền thị trường nhằm tạo ra một thị trường công bằng và đổi mới.

Vào tháng 2 năm 2021, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc[2] đã công bố các nguyên tắc chống độc quyền mới nhằm hạn chế các hành vi độc quyền của các nền tảng Internet chiếm thị phần chi phối và tăng cường giám sát các thị trường thương mại điện tử. Các quy tắc nhằm khuyến khích cạnh tranh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng.

Vào tháng 9 năm 2021, Luật An toàn dữ liệu[3] có hiệu lực như một trụ cột mới trong khung pháp lý của Trung Quốc về bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu. Luật tập trung vào các yêu cầu về nội địa hóa dữ liệu, chuyển dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân[4] có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2021, cùng với Luật An ninh mạng[5] và Luật An toàn dữ liệu đã củng cố hơn nữa lĩnh vực pháp lý về bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân.

Vào tháng 1 năm 2022, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc[6] đã công bố Điều khoản sửa đổi về Dịch vụ thông tin ứng dụng Internet di động, trong đó nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong việc điều chỉnh quyền riêng tư và bảo mật của ứng dụng di động.

Đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế trong năm 2022, Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng những doanh nghiệp công nghệ số sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp nước này duy trì đà tăng trưởng. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm nền kinh tế nền tảng, đổi mới khoa học công nghệ và bảo mật thông tin trong những năm tới.

4.8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế số, thông qua đó tạo ảnh hưởng quốc tế

Trung Quốc đã tích cực tham gia các cuộc tham vấn và thảo luận về các vấn đồ kỹ thuật số trong các cơ chế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khung đối tác kinh tế số BRICS, Sáng kiến hợp tác bảo mật dữ liệu “Trung Quốc 45 nước Trung Á”, vv. Tổ chức Quốc tế Hội nghị Internet Thế giới 2022 chính thức được thành lập, với số lượng thành viên đến từ hơn 20 quốc gia trên 6 châu lục, trong đó có hơn 100 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Phát hành Sách Trắng “Cùng nhau làm việc để xây dựng cộng đồng chia sẽ tương lai trong không gian mạng”. Việc mở cửa và hợp tác thương mại điện tử tiếp tục sâu rộng, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại điện tử với 28 quốc gia và thiết lập các cơ chế hợp tác thương mại điện tử song phương.

Tháng 11 năm 2022, Trung Quốc đã đăng ký tham gia Thỏa thuận đối tác kinh tế số (DEPA), một loại thỏa thuận đối tác thương mại mới được ký bởi Chile, New Zealand và Singapore, nhằm thúc đẩy thương mại số. Thỏa thuận này phủ hợp với định hướng của Trung Quốc là tăng cường cải cách trong nước và mở cửa hơn nữa để tăng cường hợp tác kinh tế số với các quốc gia khác.

Mặt khác, quốc gia này cũng tích cực chia sẻ năng lực số của mình bằng cách cung cấp công nghệ, thiết bị và dịch vụ cho các nước kém phát triển hơn thông qua sáng kiến Con đường Tơ lụa số (Digital Silk Road). Các công ty Trung Quốc đã tham gia vào một số dự án cáp ngầm nối châu Phi và Âu-Á. Theo dữ liệu chính thức, tổng cộng hơn 200.000 km cáp quang đã được lắp đặt, mang lại khả năng truy cập Internet băng rộng cho 6 triệu hộ gia đình ở châu Phi. Hơn 1/2 số trạm gốc di động và mạng băng thông rộng di động tốc độ cao của châu Phi được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc.

5. Những thách thức vĩ mô cho kinh tế số Trung Quốc

5.1. Kinh tế số của Trung Quốc có thể phát triển chậm lại do sự gia tăng các quy định pháp lý

Từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2022, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã ban hành 12 quy định mới về quản lý không gian mạng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp có bước phát triển nóng, trở thành một “quyền lực mới” vượt tầm kiểm soát của chính quyền.

Các quy định bắt đầu với việc thực hiện chống độc quyền. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các công ty công nghệ đã lạm dụng quyền lực độc quyền, thu thập và lạm dụng quyền truy cập dữ liệu cá nhân. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ đã ban hành một loạt luật[7] và quy định mới nhằm vào các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế số dựa trên người tiêu dùng.

Từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2022 đã có 143 trường hợp bị phạt với tổng số tiền lên tới 303 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 42 tỉ đô la MI). Trong số đó, 140 vụ liên quan đến quy định chống độc quyền, 2 vụ liên quan đến bảo mật dữ liệu và 1 vụ liên quan đến cho vay tiêu đóng. Có thể đây là hiện tượng chưa phổ biến (1% quy mô của ngành vào năm 2021), nhưng có thể số để những hệ quả trong phát triển kinh tế số khi mà việc tiếp cận các tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên dữ liệu tự do đã dần bị kiểm soát.

Xu hướng này đặt ra vấn đề mới cho cơ quan quản lý của Trung Quốc trong việc duy trì mức độ tăng trưởng cho nền kinh tế số hưởng tới mục tiêu vượt qua Hoa Kỳ trong cuộc đua này.

5.2. Các nền tảng số – Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn tại nhiều thị trường quốc tế

Trong thời gian vừa qua, mặc dù đạt được nhiều đột phá về công nghệ và đưa công nghệ thâm nhập sâu vào từng ngành, lĩnh vực kinh tế nhưng con đường vươn lên số một thế giới của Trung Quốc vẫn gặp nhiều lực cản, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các đồng minh nắm quyền kiểm soát một số công nghệ lõi quan trọng như công nghệ sản xuất chip nâng cao[8] hay tiếp cận sản phẩm dịch vụ quan trọng do doanh nghiệp của Hoa Kỳ cung cấp.

Một vấn đề khác nữa là các cáo buộc về thu thập và lạm dụng dữ liệu cá nhân người dùng trên các nền tảng số. Một loạt các nền tảng số lớn của Trung Quốc như Tiktok nhận được cáo buộc từ nhiều quốc gia về vấn đề an toàn thông tin, vấn đề sử dụng nền tăng như một công cụ tình báo, thu thập thông tin. Tháng 5/2023 bang Monata là bang đầu tiên tại Hoa Kỳ thông qua lệnh cấm hoàn toàn Tiktok, làm leo thang căng thẳng quan hệ với Trung Quốc. Trước đó, hơn 25 bang của Mỹ đã ban hành lệnh cấm ứng dụng này trên các thiết bị của Chính phủ. Theo lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 01/2024, với mỗi lần người dùng truy cập, Tiktok sẽ bị phạt 10.000 đô la Mỹ, đồng thời có thể bị phạt thêm 10.000 đô la Mỹ mỗi ngày nếu người đó tiếp tục sử dụng.

Các cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu là Nghị viện, Ủy ban, Hội đồng châu Âu đều cấm nhân viên sử dụng TikTok. Tương tự, các nước như Canada, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy, Anh, Estonia, Latvia, Áo cũng cấm Tik Tok trong khi Hà Lan khuyến khích không sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị chính phủ.

Tại Ấn Độ, TikTok mất thị trưởng lớn nhất thế giới với 200 triệu người dùng khi chính quyền ở đây cấm hoàn toàn TikTok và một số ứng dụng của Trung Quốc. Từ năm 2020, TikTok cũng bị cấm triệt để tại một số nước như Afghanistan, Pakistan, Iran. Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã cấm TikTok trên các thiết bị công từ năm 2022.

5.3. Doanh nghiệp số Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chảy máu nguồn lực tài chính

Doanh nghiệp số Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chảy máu nguồn lực tài chính đến từ các quỹ đầu tư lớn vì căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Giá trị của các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ giảm mạnh hơn 300 tỉ đô la Mỹ (gần 36% giá trị niêm yết) kể từ đầu năm 2020 so với việc các công ty Hoa Kỳ tăng hơn 05 nghìn tỉ đô trong cùng kỳ. Sự chuyển dịch dòng vốn của quỹ đầu tư quốc tế dẫn đến việc công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sẽ mất tính cạnh tranh về tài chính, tiếp cận với kĩ năng quản trị và nguồn nhân sự chất lượng cao đến từ các quỹ đầu tư này.

5.4. Một số khó khăn thách thức trong tự chủ công nghệ nền tảng

Nếu nhìn vào các điều kiện cần thiết để phát triển các nền tảng công nghiệp, Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức:

– Trung Quốc mới làm chủ được khoảng 10% thị phần cảm biến và phải nhập khoảng 90% cảm biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa.

– Các nền tảng phần mềm như một dịch vụ (as-a-service) cho công nghiệp hiện nay vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài như SAP, Microsoft, Salesforce nắm giữ phần lớn thị phần. Đây là các doanh nghiệp đã tích lũy năng lực, công nghệ trong thời gian dài phát triển các nền tảng phục vụ công nghiệp (IoT). Do vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Các nhà cung cấp nước ngoài coi cơ hội hợp tác là con đường để đưa sản phẩm, dịch vụ thâm nhập sâu vào thị trường của Trung Quốc.

– Trung Quốc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu về kỹ năng số tăng cao, trong đó, kỹ năng phân tích dữ liệu đã trở thành không thể thiếu. Dự báo Trung Quốc sẽ cần khoảng 1,8 triệu nhân lực phân tích dữ liệu trong 3 – 5 năm tới, tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 300.000 nhân lực (đáp ứng được ~17% nhu cầu).

6. Một số đề xuất, hàm ý phát triển cho Việt Nam

Việt Nam cần nhận diện được những thuận lợi và khó khăn thách thức trước sự phát triển nhanh của kinh tế số Trung Quốc.

Một mặt, đó là thuận lợi trong kết nối, giao thương, trao đổi hàng hóa trên cả môi trường thực và môi trường số. Để khai thác được lợi thế này, Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp cũng cần thay đổi để thích nghi, phát triển năng lực số để tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu, trong đó có Trung Quốc.

Mặt khác, kinh tế số, về bản chất là dựa vào sự phát triển của các nền tảng số. Trung Quốc định hưởng trở thành cường quốc không gian mạng, do vậy sẽ thúc đầy việc đưa các nền tảng số thâm nhập vào các thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. Điển hình là các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát đã có bước phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp Trung Quốc đã đạt tới trình độ giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất ít ngày, mà phí ship chỉ có 10 nghìn đồng, thậm chí là miễn phí, tức là nhanh hơn và rẻ hơn cả chuyển hàng trong nước.

Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng chính sách để phản ứng với xu thể này, đặc biệt là xác định tự chủ về mặt công nghệ, phát triển hệ sinh thái công nghệ nội địa để tăng sức cạnh tranh.

6.1. Việt Nam cần xây dựng bản đồ chính sách về phát triển, quản lý kinh tế số, đặc biệt là lộ trình chính sách tương ứng với từng giai đoạn phát triển của kinh tế số.

Kinh tế số, cũng như kinh tế truyền thống đều trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau. Do vậy, cần lộ trình phát triển cụ thể, kèm chính sách thúc đẩy, quản lý phù hợp cho từng giai đoạn.

Trong giai đoạn thúc đẩy phát triển, cần khuyến khích các địa phương đăng ký triển khai sáng kiến phát triển kinh tế số trên địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan cùng đồng hành, hướng dẫn triển khai và tổng kết, nhân rộng điển hình.

Khi kinh tế số phát triển mạnh tới mức độ nào đó[9], Việt Nam cần lưu ý tới các chính sách, công cụ phát triển kinh tế số lành mạnh, bền vững. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để kết nối, đo lường, giám sát các hoạt động kinh tế số, sớm phát hiện và dự báo những tác động tiêu cực và kịp thời điều chỉnh.

6.2. Việt Nam cần xác định tập trung vào chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, bởi đây là không gian phát triển rất lớn.

Cần xác định nội dung trọng tâm của từng lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, mang lại hiệu quả lớn. Ví dụ: Trong lĩnh vực giao thông vận tải, việc chuyển đổi số 145 cảng biển, hay triển khai các sáng kiến càng mở để đón được siêu tàu quốc tế vào các công sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Tương tự, cần xác định các nội dung cốt lõi trong phát triển nông nghiệp, du lịch hay phát triển kinh tế tại các cửa khẩu và các lĩnh vực tiềm năng khác.

Thông qua chuyển đổi số ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia theo từng ngành, lĩnh vực.

6.3. Xây dựng Sách Trắng thường niên về kinh tế số

Hiện nay, Việt Nam chưa có nguồn thông tin công bố chính thức về mức độ phát triển kinh tế số quốc gia và kinh tế số tại các địa phương. Việc xây dựng Sách Trắng về kinh tế số và ban hành theo từng năm sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt cả quá trình phát triển kinh tế số và từ đó, hoạch định chiến lược cho các năm tiếp theo. Sách Trắng về kinh tế số cũng là nơi tổng hợp các kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt, trường hợp điển hình để các nơi tham khảo, nghiên cứu, vận dụng./.

Phương Thuý

[1] Để phản ánh mối tương quan không gian của sự phát triển kinh tế số ở Trung Quốc, trong đó xác định vai trò dẫn dắt của phát triển kinh tế số ở khu vực này đối với khu vực khác, Trung Quốc thực hiện phân tích mối quan hệ vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp từ trước cuối tháng 3 năm 2022 làm đối tượng nghiên cứu chính, thông qua 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước (ngoại trừ đặc khu hành chính Hồng Kông, đặc khu hành chính Macao và tỉnh Đài Loan), gần 10.000 doanh nghiệp tiêu biểu và công ty mẹ của các doanh nghiệp này ở 120 thành phố hạng ba trở lên thực hiện phân tích thâm nhập vốn chỗ sở hữu, qua đó phản ảnh mô hình dẫn dắt không gian phát triển nền kinh tế số ở các thành phố trọng điểm ở Trung Quốc

[2] State Administration for Market Regulation – SAMR

[3] Data Security Law of People’s Republic of China

[4] China’s Personal Information Protection Law

[5] Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 01/6/2017

[6] Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc

[7] Một số luật đáng chú ý: Luật Chống độc quyền sửa đổi (năm 2022), Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật An toàn dữ liệu

[8] Hiện nay, các doanh nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa tiếp cận được với công nghệ quang khắc tia cực tím, công nghệ độc quyền của của ASML-một doanh nghiệp Hà Lan. Điều này hạn chế khả năng sản xuất chíp dưới 7nm, làm chậm lại đáng kể tới cuộc đua trở thành cường quốc về chip của Trung Quốc.

[9] Trong bài phát biểu gần đây của Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, đặt ra vấn đề chuẩn hoá nền kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị số. Thời điểm này kinh tế số của Trung Quốc đạt khoảng hơn 40%, sau khi Trung Quốc phát triển kinh tế số được khoảng 8-10 năm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here