Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn khi đơn hàng phục hồi chậm, cùng với các diễn biến khó lường của thế giới là những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24% cho thấy, nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua 3 trụ cột gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức khiến các động lực tăng trưởng suy giảm rõ rệt.
Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng – chỉ đạt 51% kế hoạch; tiêu dùng nội địa chậm lại do tình hình trong nước khó khăn và đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, sức ép mới về lạm phát, tỷ giá và những khó khăn còn tiếp diễn của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… cũng là bài toán nan giải với nền kinh tế Việt Nam.
Tại tọa đàm Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 – đầu năm 2024 diễn ra ngày 3/11, các chuyên gia đều dự báo, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2024. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần tập trung chuẩn bị nền tảng sẵn sàng cho năm 2024, đi vào chất lượng tăng trưởng, chất lượng đầu tư nước ngoài, chất lượng thể chế, chất lượng kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci và Giám đốc phát triển quốc tế Tổ hợp Đại học De Vinci (Pháp) cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới nên cũng chịu tác động mạnh mẽ từ tình hình bên ngoài.
Trong 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật mới đây gồm 5%; 5,5% và 6%, ông Khương cho rằng, kịch bản 5,5% là hợp lý, trên cơ sở nỗ lực rất lớn.
TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh: “Việt Nam cần chuẩn bị những yếu tố nền tảng sẵn sàng cho năm 2024, trong đó tập trung vào chất lượng tăng trưởng, chất lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, chất lượng thể chế… để đạt mức tăng trưởng cao hơn”.
Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì cho rằng, các động lực tăng trưởng gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa có khởi sắc ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung lo lắng về đầu tư của khu vực tư nhân – khu vực đang chiếm 60%-65% tổng đầu tư toàn xã hội.
“Nếu như trước đây, tăng trưởng đầu tư tư nhân đạt 15%-17%/năm thì trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng chỉ còn khoảng 2,3%. Cũng liên quan đến khu vực tư nhân, số liệu thống kê cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng nhưng tăng rất thấp. Trong khi đó, cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 8 doanh nghiệp rút lui ở tất cả lĩnh vực”, TS. Cung nhận định.
Dù nhìn tổng thể, khó khăn nhiều hơn cơ hội nhưng trong bối cảnh chung của quốc tế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận thấy, Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, nổi bật nhất là sức chống chịu của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực bên cạnh nỗ lực lớn của Chính phủ với mục tiêu tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về sự đồng hành, chia sẻ từ phía nhà nước.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay là khó đạt được. Do đó, quan trọng hơn là cần xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.
TS. Trần Du Lịch khẳng định: “Phải tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn, tận dụng cơ hội khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được. Cụ thể, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản ở cả cung và cầu bởi lĩnh vực này tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho vĩ mô”.
Khánh Ly