FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, hơn 780 triệu người đói lương thực

0
322
(Nguồn: NRC)

Ngày 3/11, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 10 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm do sản lượng đường, ngũ cốc, dầu thực vật và thịt giảm.

Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực. (Nguồn: NRC)

Chỉ số giá của FAO theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo của FAO, chỉ số này trong tháng 10 đạt trung bình 120,6 điểm, giảm so với mức 121,3 của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Cùng ngày, FAO công bố báo cáo riêng về cung cầu ngũ cốc, trong đó duy trì dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm nay ở mức 2,819 tỷ tấn, tăng 0,9% so với năm trước.

Hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực. Trên thực tế, vấn đề lương thực đang “nóng” ở nhiều nơi trên thế giới. Somalia chỉ là một trong rất nhiều quốc gia đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng lương thực, hiện đang ngày một lan rộng trên thế giới.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hôm 27/10 thông báo rằng, họ cần tổng cộng 351 triệu USD tiền tài trợ cho tất cả các hoạt động để tăng quy mô hỗ trợ nhân đạo trong 6 tháng tới ở Somalia.

WFP cho biết hậu quả của nhiều thập kỷ xung đột vũ trang, lượng mưa thất thường, nghèo đói và di tản trong nước đã đẩy hàng triệu người ở Somalia vào tình trạng đói khát và mất an ninh lương thực. Theo cơ quan Liên hợp quốc này, trong quý IV/2023, ước tính khoảng 4,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó 1 triệu người phải chịu cảnh đói cùng cực.

Trong báo cáo mới nhất, WFP ước tính số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong năm 2023, đã giảm xuống còn 1,5 triệu nhưng 331.000 trẻ em vẫn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, có khả năng tử vong.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng khoảng 1,2 triệu người sống ở nông thôn, thành thị và những người phải di dời dọc theo vùng đồng bằng ngập nước đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt sắp xảy ra do tác động tổng hợp của El Nino và hiện tượng Lưỡng cực Ấn Độ Dương trong mùa mưa cuối năm nay.

Tại nền kinh tế hàng đầu ASEAN – Chính phủ Indonesia sẽ triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt mới cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp người dân ứng phó với tác động của hiện tượng thời tiết El Niño, hiện đang gây ra những đợt khô hạn kéo dài và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ở nhiều khu vực trên cả nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã công bố chương trình hỗ trợ tiền mặt trực tiếp (BLT) mới nhằm giúp người dân ứng phó với ảnh hưởng từ El Nino. Theo đó, mỗi gia đình đủ điều kiện sẽ nhận được 200.000 Rp (12,61 USD)/lần/tháng trong 2 tháng cuối năm 2023. Chương trình BLT có tổng trị giá 7.520 tỷ Rp và sẽ được Bộ Xã hội phân bổ cho 18,8 triệu gia đình.

Ngoài hỗ trợ tiền mặt, chính phủ có kế hoạch kéo dài chương trình phát gạo miễn phí cho các gia đình nghèo đến tháng 12. Chính phủ đã phân phát 10 kg gạo mỗi tháng kể từ tháng 9. Ước tính, ngân sách nhà nước sẽ phân phối khoảng 2.600 tỷ Rp đợt viện trợ gạo bổ sung này tới 21,3 triệu gia đình trên cả nước.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thêm, cả hai hình thức viện trợ sẽ được phân bổ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và hướng tới việc đảm bảo rằng các gia đình nghèo có thể duy trì sức mua của mình bất chấp giá lương thực tăng cao. Ngân sách nhà nước tăng cường trợ giúp xã hội, đặc biệt là cho các gia đình có thu nhập thấp.

Giải quyết mối lo ngại về tình trạng thiếu lương thực là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Jokowi trong thời gian qua, khi nông dân trên khắp đất nước phải đối mặt với tình trạng mất mùa do mùa khô kéo dài. Đợt mất mùa ở khu vực Puncak thuộc miền Trung Papua hồi tháng 8/2023 đã gây ra nạn đói, khiến 6 người dân thiệt mạng và hàng nghìn người phải tranh giành lương thực.

Trước đó, chính phủ của Tổng thống Jokowi đã nỗ lực nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo để giải quyết tình trạng thu hoạch kém dự kiến diễn ra trên khắp cả nước.

An ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu.

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc, mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động.

Thực tế cho thấy mất an ninh lương thực quốc gia là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất ổn định đất nước.

Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến giá lương thực tăng cao, nguồn cung lương thực không đủ, lập tức ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người, kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo.

Điều đó sẽ làm thay đổi kết cấu xã hội, gia tăng mâu thuẫn nội bộ, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền, gây khủng hoảng xã hội trầm trọng.

Vòng tuần hoàn giữa mất an ninh lương thực và bệnh tật sẽ dẫn đến sự sụt giảm của năng suất lao động, năng lực học tập và năng lực phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Bên cạnh đó, hậu quả của việc mất an ninh lương thực còn có thể kéo dài từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nguồn nhân lực.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here