EuroCham: Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện

0
58
: Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Ngày 2/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023.

Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

GEF 2023 đã thu hút hàng trăm người tham dự, nhấn mạnh cam kết thống nhất của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ và cộng đồng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, rút ngắn hành trình hướng tới nền kinh tế xanh.

Diễn đàn năm nay gồm các hội thảo chuyên sâu, với các phiên chuyên đề, những chủ đề quan trọng về năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon và nông nghiệp bền vững. Diễn đàn sẽ tập trung đề cập đến các kiến thức thực tế, nghiên cứu điển hình từ những người tiên phong về phát triển bền vững.

Tại sự kiện, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhấn mạnh, việc tổ chức GEF không chỉ nhấn mạnh sức mạnh của mối quan hệ đối tác nhóm châu Âu – Việt Nam mà còn phản ánh cam kết chung vì một tương lai xanh hơn…

“Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập EuroCham, chúng tôi vẫn kiên định với sự cống hiến của mình để sát cánh cùng Việt Nam. Dựa trên sức mạnh và nguồn lực của các bên, chúng ta cùng nhau cam kết trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Gabor Fluit nói.

Chủ tịch EuroCham dẫn chứng mục tiêu của Việt Nam là ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ than vào năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Và để hiện thực hóa những mục tiêu này, một nỗ lực chính sách sâu rộng đang được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội.

Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á về sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện và hơn 1/4 sản lượng năng lượng được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu trong tương lai và thu hút thêm đầu tư nước ngoài, còn rất nhiều việc phải làm.

Ngoài ra, theo ông Gabor Fluit, sự ủng hộ của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi xanh cũng được thể hiện rõ qua việc tham gia Thỏa thuận Xanh châu Âu. Cách tiếp cận của quốc gia trong việc tuân thủ các quy định của Thỏa thuận Xanh như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EU) minh họa cho nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả tài nguyên và sự thịnh vượng. Điều này càng được củng cố bởi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hướng tới các sản phẩm bền vững.

Tuy nhiên, Chủ tịch EuroCham nhận thấy, bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Trên toàn cầu, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là một sự phát triển lớn trong hành vi của người tiêu dùng.

Trước những thách thức này, EuroCham sẽ chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu cùng với sự năng động của Việt Nam nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu chung trong quá trình chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Christoph Prommersberger, đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã chỉ ra vai trò then chốt của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là khi điều hướng các quy định xanh mới của EU, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

GEF 2023 được định vị để cung cấp cho Việt Nam và các doanh nghiệp những nguồn lực cần thiết nhằm đáp ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu đang ngày càng phát triển.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp còn có cơ hội kết nối với các đồng nghiệp trong ngành, lãnh đạo doanh nghiệp và những người ủng hộ sự bền vững, tham gia vào các cuộc thảo luận tập trung về năng lượng tái tạo, tài chính xanh, khử carbon và nông nghiệp bền vững.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here