Đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng

0
54
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình.

Liên quan đến quan tâm của đại biểu về tốc độ tăng năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng đề án chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động để thúc đẩy và đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng cơ hội CMCN lần thứ 4.

Chiều 1/11, Quốc hội kết thúc 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội. Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã hồi âm một số vấn đề được các đại biểu đề cập.

Về tăng trưởng, Bộ trưởng nhìn nhận, kết quả đạt được chưa đạt kế hoạch nhưng tích cực, đáng trân trọng. Ông nói, trong khi các nước như Thái Lan dự báo tăng trưởng 2,7%, Malaysia là 4%, Trung Quốc 5% thì tăng trưởng Việt Nam phấn đấu trên 5% là đáng ghi nhận.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, thời gian tới tình hình còn nhiều khó khăn. Ngoài giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cũng kết hợp giải pháp dài hạn, căn cơ. Tháng 10 vừa qua bắt đầu có tín hiệu tích cực trong giải ngân đầu tư công, thu hút FDI, xuất khẩu cũng có chuyển biến tích cực.

Về chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Một số chính sách của Nghị quyết này đã phát huy tích cực, đã dành hơn 50% nguồn lực chương trình cho đầu tư hạ tầng với những dự án trọng điểm, chiến lược. Cụ thể là dành 176.000 tỷ đồng trong tổng gần 350.000 tỷ đồng cho hạng mục này.

Giải thích việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp đủ điều kiện vay do không có đơn hàng, còn doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.

Theo Bộ trưởng, do thiết kế chương trình thận trọng, quy định “doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, khiến người đi vay, đơn vị cho vay đều “ngại” trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nên chưa đạt kỳ vọng chương trình đưa ra. Hiện giải ngân được 873 tỷ đồng, tương đương gần 2,3% kế hoạch. Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp tới hết năm 2023, nếu không giải ngân được thì sẽ huỷ dự toán.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, do khoản này chưa phát hành, chưa huy động nên không ảnh hưởng tới bội chi. Thay vào chương trình hỗ trợ 2%, sẽ chuyển sang xin giãn hoãn thuế VAT và các khoản thuế khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Liên quan đến năng suất lao động, vấn đề được nhiều đại biểu đề cập, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nói nguyên nhân chủ yếu do mô hình tăng trưởng chưa nhiều thay đổi, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu.

Riêng năm 2023 có lý do nữa, là tăng trưởng thấp hơn mục tiêu; sản xuất, công nghiệp, xây dựng, bất động sản khó khăn. Một bộ phận lao động chuyển sang ngành dịch vụ, chủ yếu ở khu vực phi chính thức nên năng suất lao động thấp hơn; và bộ phận lao động chuyển việc mới cần thời gian học tập lại để thích nghi.

Ông cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động để thúc đẩy và đưa năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng cơ hội CMCN lần thứ 4. Bộ đã trình Thủ tướng đề án này và hy vọng sớm được thông qua.

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm công trình quốc gia.

“Bối cảnh khó khăn, mong Quốc hội tiếp tục đồng hành giám sát những chính sách Chính phủ tham mưu để kinh tế sớm lấy lại đà tăng trưởng, đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và 5 năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

(Nguyễn Lê/baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here