IMEC – Hành lang kinh tế mới của châu Âu và Mỹ thách thức BRI của Trung Quốc

0
124
Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC).

Sự ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với IMEC phần lớn xuất phát từ nỗ lực trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Trung Đông về cam kết của Washington đối với khu vực. Bên cạnh đó, IMEC cũng được xem là giải pháp thay thế Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC).

Theo Arab Center Washington DC (ACW), tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi hồi tháng 9 vừa qua, lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Mỹ và Ủy ban châu Âu đã công bố dự án Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC).

Sáng kiến thương mại và đầu tư đầy tham vọng này liên quan đến cả hành lang phía Đông nối Ấn Độ với UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel, và hành lang phía Bắc nối các quốc gia Trung Đông này với châu Âu. IMEC sẽ cùng với các tuyến vận tải đường bộ và đường biển hiện có tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á và châu Âu thông qua cơ sở hạ tầng năng lượng, đường sắt, cáp cao tốc và các tuyến vận chuyển.

Các quốc gia tham gia IMEC hiện chiếm 40% dân số thế giới và khoảng 50% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Hành lang mới sẽ dựa vào các cảng biển, đường bộ và trung tâm logistics của UAE và Saudi Arabia củng cố tầm quan trọng của những quốc gia Ả-rập vùng Vịnh này với tư cách là nút thắt quan trọng trên các tuyến thương mại toàn cầu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, các khía cạnh địa chính trị của dự án IMEC đang được xem xét trong bối cảnh có 6 quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang tìm cách thích ứng với thực tế của thế giới đa cực. Ngoại trừ Oman, tất cả các thành viên của GCC đều tham gia với tư cách đối tác đối thoại trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tháng 8 vừa qua, UAE và Saudi Arabia đã nhận được lời mời gia nhập khối BRICS. UAE đã nhanh chóng chấp nhận lời mời và Saudi Arabia có thể cũng sẽ làm vậy. Mặc dù một số quốc gia GCC đã gia nhập SCO và BRICS, nhưng UAE và Saudi Arabia vẫn nhiệt tình ký biên bản ghi nhớ IMEC, nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của họ đối với việc tái cân bằng trật tự kinh tế và bối cảnh địa chính trị thế giới.

Hành lang mới được kỳ vọng sẽ giúp củng cố vai trò trung tâm của các quốc gia Arập vùng Vịnh giàu năng lượng trong nền kinh tế toàn cầu, khi trọng tâm địa kinh tế của thế giới tiếp tục dịch chuyển từ Tây sang Đông và Nam bán cầu – sự thay đổi đã được đẩy nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Trong khi đó, sự ủng hộ của Chính quyền Joe Biden đối với IMEC phần lớn xuất phát từ nỗ lực trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Trung Đông về cam kết của Washington đối với khu vực. Bên cạnh đó, IMEC cũng được xem là giải pháp thay thế Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Nỗ lực thách thức sự hiện diện của Trung Quốc
Việc phân tích IMEC đòi hỏi phải xem xét sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong bối cảnh được gọi là “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Mỹ tham gia IMEC được xem là phương án mới cho các quốc gia liên quan trước BRI của Trung Quốc, được Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu tiên cách đây một thập niên với tên gọi ban đầu là “Một vành đai, một con đường”.

BRI là sáng kiến quan trọng của Bắc Kinh nhằm kết nối châu Á với châu Phi, châu Âu và Mỹ Latinh, mà trong đó Trung Quốc được định vị là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Các quốc gia Arập vùng Vịnh đóng vai trò là trung tâm của tầm nhìn BRI, trong sự phối hợp với Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia (và các chương trình nghị sự đa dạng hóa kinh tế của các thành viên GCC khác).

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với các quốc gia Arập, từng có mối liên kết với phương Tây trong lịch sử, và Israel đã làm dấy lên mối lo ngại ở Washington, khiến Mỹ phải nỗ lực tìm cách chống lại ảnh hưởng địa kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc ở Trung Đông.

Ý tưởng về sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia có công nghệ tiên tiến khác trong việc thách thức BRI một cách hiệu quả thông qua các hành lang thay thế và các khuôn khổ nhỏ xuyên khu vực không phải là điều mới mẻ. Năm 2021, Nhóm I2U2 với sự tham gia của Mỹ, Israel, UAE và Ấn Độ đã được thành lập nhằm mục đích tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực – như năng lượng, nước, an ninh lương thực, giao thông, y tế và không gian – bằng vốn của khu vực tư nhân. IMEC đang tìm cách xây dựng Nhóm I2U2 và theo đuổi một loạt mục tiêu đầy tham vọng hơn.

Theo tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hành lang xuyên lục địa này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn thế giới. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen ca ngợi mạng lưới vận chuyển từ tàu đến đường sắt là “cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên lục địa và các nền văn minh”. Theo lời của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, IMEC sẽ là “dự án hợp tác lớn nhất trong lịch sử của chúng ta”.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải thừa nhận rằng các thành viên GCC không có quan điểm đa cực như Washington. Sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sự phân chia Đông-Tây và Bắc-Nam trên phạm vi toàn cầu đã gia tăng trên trường quốc tế, làm tăng sức ép buộc các quốc gia Ả rập vùng Vịnh phải chọn bên. Thế nhưng, thay vì chọn bên, các thành viên GCC đã lựa chọn thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng độc lập và đa liên kết dựa trên mối quan hệ sâu sắc của họ với các nước trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Đối với các quốc gia Ả rập vùng Vịnh, cách tiếp cận chính sách đối ngoại này là hợp lý vì nó mang lại cho các thành viên GCC quyền tự chủ và đòn bẩy lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Bằng cách hợp tác với càng nhiều cường quốc nhất có thể, bao gồm cả những nước là kẻ thù và đối thủ của nhau, UAE, Saudi Arabia và các nước khác trong GCC có thể tối đa hóa ảnh hưởng địa chính trị của họ ở nhiều khu vực.

Do đó, với những lợi ích địa chính trị và quan điểm đa cực khác nhau, các quốc gia đi theo con đường IMEC sẽ có cách nhìn khác nhau về hành lang xuyên lục địa này. Trong khi Washington nhìn nhận IMEC là phương tiện ngăn chặn sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông và đưa các quốc gia GCC đến gần hơn với quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây, thì các quan chức ở Abu Dhabi và Riyadh lại coi hành lang thương mại này là phương tiện để tiếp tục cân bằng mạng lưới của họ ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Hơn thế nữa, thay vì quan sát nỗ lực của ban lãnh đạo Mỹ trong việc đẩy lùi BRI của Bắc Kinh, UAE và Saudi Arabia sẽ tiếp cận hành lang này với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của đất nước họ thành cầu nối giữa phương Tây, phương Đông và Nam bán cầu. Nói một cách đơn giản, IMEC chỉ đơn thuần là cơ hội mới nhất để UAE và Saudi Arabia trở thành các trung tâm kết nối liên khu vực ngày càng quan trọng, điều mà đến lượt nó sẽ hỗ trợ các kế hoạch của họ nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, không chỉ các quốc gia thuộc GCC đi theo con đường của IMEC mới bác bỏ suy nghĩ “chọn theo phương Tây hay phương Đông”. Hy Lạp, quốc gia thành viên NATO, có thể đưa ra quyết định giống UAE và Saudi Arabia khi xem IMEC là phương tiện để mở rộng vai trò của họ trong việc tăng cường khả năng kết nối của thế kỷ 21.

Nút giao quan trọng của IMEC ở châu Âu là thành phố Piraeus với cảng biển cùng tên – cảng biển chính của Athens. Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO) thuộc sở hữu nhà nước là cổ đông lớn tại cảng Piraeus trên vịnh Saronic, vốn cũng là điểm nút quan trọng kết nối BRI với châu Âu.

Có thể nói từ góc nhìn của UAE hay Saudi Arabia, các cường quốc toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc hay Nga không đơn độc trong việc định hình sự cân bằng kinh tế và địa chính trị thế giới. Các cường quốc tầm trung như UAE và Saudi Arabia cũng đang tác động đến trật tự quốc tế.

Những dư âm bất ổn của cuộc xung đột Nga-Ukraine lan khắp nhiều châu lục – từ tình thế tiến thoái lưỡng nan về năng lượng của châu Âu đến tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng ở các nước châu Phi và Ả rập – đã cho phép Saudi Arabia và các quốc gia GCC khác tận dụng các nguồn tài nguyên và đặc điểm địa lý sẵn có để củng cố vai trò của họ là đối tác thiết yếu của các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Tại sự kiện ra mắt IMEC ở Ấn Độ, Tổng thống Biden liên tục nói lời cảm ơn với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed. Ông nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ Mỹ sẽ ở đây nếu không có các bạn”.

Ấn Độ đối đầu Trung Quốc và Pakistan
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc góp phần định hình địa chính trị xung quanh IMEC và New Delhi trong việc tham gia hành lang xuyên lục địa này. Ở thời điểm quan hệ Trung-Ấn tụt xuống mức thấp vì tranh chấp biên giới, hai “gã khổng lồ” châu Á này đang tranh giành ảnh hưởng, trong đó New Delhi đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các quốc gia nằm dọc dãy Himalaya và ở khu vực Nam Á.

Khi cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng nóng lên, các quốc đảo ở Ấn Độ Dương như Maldives và Sri Lanka đã có thể tận dụng xung đột ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và New Delhi để thu lợi. Các thành viên GCC cũng vậy. IMEC sẽ cho phép chính phủ của Thủ tướng Modi tận dụng mối liên kết ngày càng tăng của Ấn Độ với Saudi Arabia, UAE và các quốc gia Arập vùng Vịnh khác, nơi có cộng đồng người Ấn Độ đông đảo, để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông và những nơi khác.

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc thách thức ưu thế của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm nhận thức của Washington về New Delhi như một đối tác quan trọng trong “Chiến tranh Lạnh mới”. Ở thời điểm Ấn Độ đang trải qua một cuộc tranh cãi chưa từng có với Canada – đồng minh và là nước láng giềng của Mỹ, vị thế của Ấn Độ như bức tường thành chống lại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ngày càng được củng cố, và điều này có thể khuyến khích Nhà Trắng tránh đứng về phía Canada chống lại nước này.

Căng thẳng của Ấn Độ với Pakistan cũng là yếu tố có liên quan. Ấn Độ luôn phản đối BRI, một phần do Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) đi qua vùng đất do Islamabad kiểm soát và được New Delhi cho là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ấn Độ. Do đó, New Delhi coi IMEC là cơ hội để đảm bảo đòn bẩy kinh tế lớn hơn đối với Trung Quốc và Pakistan, đồng thời là giải pháp tự nhiên thay thế BRI.

Trong quá khứ, Pakistan về cơ bản đã duy trì quyền phủ quyết đối với kết nối đường bộ giữa Ấn Độ và phương Tây. Như một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã lập luận, IMEC sẽ phá vỡ quyền phủ quyết này của Pakistan, mở ra cơ hội tăng cường hội nhập kinh tế giữa Ấn Độ và châu Âu thông qua Trung Đông mà không cần phải đối phó với Islamabad, trong khi tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa được giải quyết.

Hiệp ước Abraham
Cùng với nhóm I2U2, Mỹ nhận thấy cần phải kéo Ấn Độ ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga và Iran. Mỹ cũng tìm cách kéo các quốc gia thuộc GCC ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy Israel hội nhập sâu hơn vào phần còn lại của Trung Đông bằng cách khuyến khích Riyadh bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv.

Việc mở rộng Hiệp ước Abraham là trọng tâm chiến lược chính sách đối ngoại của Nhà Trắng đối với Trung Đông. Tới thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Saudi Arabia có chính thức từ bỏ Sáng kiến hòa bình Ả rập và chính thức hóa quan hệ với Israel mà không có sự nhượng bộ đáng kể nào đối với người Palestine hay không. Tuy nhiên, ngoại trừ việc Saudi Arabia tham gia Hiệp định Abraham, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel trên thực tế sẽ tiếp tục được mở rộng.

Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Truyền thông Israel đã đến thăm Riyadh trong những tháng qua, và Saudi Arabia đã mở cửa không phận cho các chuyến bay của Israel vào năm 2022. Những sự kiện trên nhấn mạnh sự tham gia của vương quốc này vào xu hướng bình thường hóa chung của khu vực Ả rập. IMEC có thể thúc đẩy quá trình “bình thường hóa kinh tế” giữa hai nước, và điều này có thể thúc đẩy các mục tiêu Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, nhất là khi nói đến lĩnh vực đầu tư và công nghệ.

Theo đánh giá của Nhà Trắng, hiệp định bình thường hóa quan hệ Riyadh-Tel Aviv sẽ giúp đưa Saudi Arabia thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này chưa trở thành hiện thực. Trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng đa cực, niềm tin của Saudi Arabia vào Mỹ với tư cách là đối tác an ninh ở Trung Đông sụt giảm và Riyadh đề cao mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Bắc Kinh, Nhà Trắng chưa có phương tiện để thuyết phục Saudi Arabia thực hiện những thay đổi cơ bản trong quan hệ đối tác với Trung Quốc sao cho phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Còn trong trường hợp UAE và Israel bình thường hóa quan hệ, sẽ khó có thể nhận định rằng vấn đề này sẽ đẩy quốc gia Ả rập ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc như mong muốn của Mỹ. Các cuộc đàm phán giữa UAE và Trung Quốc về kế hoạch tập trận chung ở Tân Cương đầu năm nay đã cho thấy sự phát triển của quan hệ song phương. Có thể nói dù quan hệ của Saudi Arabia với Israel có chính thức hay không, thì Riyadh, cũng giống như Abu Dhabi, sẽ tiếp tục để ngỏ các lựa chọn của mình trong khi chuẩn bị cho “kỷ nguyên vùng Vịnh hậu Mỹ”.

Con đường địa chính trị phía trước
Trong bối cảnh IMEC mới được giới thiệu, khó có thể dự đoán tác động địa chính trị của hành lang xuyên lục địa này, nhất là khi có nhiều biến số chưa biết ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, IMEC có thể sẽ làm nổi bật hơn nữa sự khác biệt cơ bản trong cách nhìn nhận của Mỹ và các nước Arập về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự dịch chuyển của thế giới khỏi thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ thường xuyên xem xét cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh theo quan điểm bên được bên mất, mà theo đó bất kỳ lợi ích địa kinh tế nào của Trung Quốc ở Trung Đông đều mặc định được xem là tổn thất đối với phương Tây, thì giới chức ở các nước GCC lại bác bỏ nhận định này.

Chính phủ UAE hay Saudi Arabia đều cho rằng quan hệ của họ với phương Tây và Trung Quốc giống như một trò chơi có tổng dương. Các nhà hoạch định chính sách ở UAE và Saudi Arabia đều bác bỏ quan điểm rằng họ đang chịu áp lực buộc phải đứng về phía Washington hoặc Bắc Kinh trong bối cảnh “Chiến tranh Lạnh mới”. Các thành viên GCC vẫn quyết tâm cùng lúc mở rộng mạng lưới của họ ở phương Tây, phương Đông và Nam bán cầu.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here